Bạch Đạo Sư

Xuôi Dòng Trên...

Vạn Vân Phong

2024-11-24 11:05:01

Một buổi chiều trong xanh gió mát, ánh nắng chiều vẫn còn rạng rỡ chiếu xuống đất Cổ Loa nhiều thăng trầm lịch sử. Những đàn chim sẻ hót líu lo trên những tán cây cao, xa xa những bầy cò rủ nhau bay thẳng cánh trên những đồng lúa rộng mênh mông bát ngát. Vùng đồng quê thanh bình bị đánh động bởi một đoàn người ngựa, hơn 20 kỵ binh hộ tống một cỗ xe ngựa vô cùng sang trọng đang chạy trên đường đã thu hút ánh nhìn của mọi người. Đường Lược cùng đoàn người chuẩn bị sang Đại La thành dự tiệc.

Đại La là vùng đất bên kia sông Cái (sông Hồng) , nằm phía nam của Cổ Loa. Muốn đi qua Đại La phải băng sông, và đội hộ tống đang đi đến bến đò để thực hiện cuộc hành trình. Bến đò Cổ Loa là bến đò thuộc quyền sở hữu của Đường Lược, hắn lập ra bến đò này để dễ dàng vận chuyển hàng hóa thông thương không chỉ với Đại La và trấn Đào Quả, mà còn dùng những đội tàu buôn này vượt biển thông thương với Hải Nam ở phía bắc, là địa phận tiếp giáp với Giao Chỉ. Khỏi phải nói cũng biết Đường Lược chính là người giàu có nhất Giao Chỉ này rồi, thế lực chính là đứng nhất.

Đoàn người của Đường Lược vừa dừng lại ở bến, lập tức những người làm ở bến liền chạy ra cũng đón chủ của mình , vô cùng náo nhiệt. Rèm cửa mở ra, Đường Lược oai phong bước chân xuống trong sự cung kính của những người xung quanh. Chân chạm đất, ngực ưỡn, dáng người thẳng trông rất phong độ khiến mọi người xung quanh đều trầm trồ.

- " nhìn kìa, đó là bá chủ đất Cổ Loa này. Năm nay dù đã 60 tuổi nhưng trông vẫn rất là phong độ"

- " không sai, từ dáng đứng đến nét mặt đều tỏa ra khí thế bá chủ, khiến người khác phải ngưỡng mộ"

- " các ngươi nhìn vào đoàn hộ tống và cỗ xe ngựa kìa, quả là vừa giàu có vừa sang trọng, đáng mặt đại phú hào"

Những lời trầm trồ này đương nhiên không đến từ thuộc hạ của hắn ta, mà đến từ những người dân bình thường. Bến Cổ Loa này không chỉ được lập ra để phục vụ một mình hắn, mà còn dùng để cho người dân ở vùng này sử dụng, tất nhiên là có thu phí. Điều này giúp Đường Lược có thêm một khoản thu nhập kha khá từ việc cập bến từ các thuyền bè bên ngoài. Những người ngoài đang nhìn vào với đôi mắt ngưỡng mộ, Đường Lược lúc này bất ngờ quay vào trong chuyển sang khom lưng mà chìa bàn tay ra. Từ trong cỗ xe ngựa, một bàn tay trắng nõn của mỹ nữ nhẹ nhàng đặt lên tay hắn, theo đó một bóng hình mỹ nữ tuyệt sắc trong xe bước ra. Đường Lược lúc này lịch lãm dìu mỹ nữ xuống xe khiến những người chứng kiến đã ngưỡng mộ lại càng thêm phần ngưỡng mộ. Tiếng xì xầm lại càng thêm huyên náo.

- "nhìn kìa, đó có phải là người vợ mới cưới của đại phú hào không? Trông thật sự quá xinh đẹp rồi"

- " chứ còn gì nữa, đó chính là Đường phu nhân nổi tiếng mấy ngày nay, là đóa hoa đồng nội mà ngài phú hào may mắn gặp được và hái về. "

- " nhan sắc này thật sự quá tuyệt, khiến cho đại phú hào say đắm mà phải khom lưng cúi người trước nàng, quả thật xứng đáng"

- " phải đó, nếu như là ta có người vợ đẹp thế này, bắt ta cúi đầu cả ngày cũng được"

Lời trầm trồ càng lúc càng to. Có câu "người đẹp vì lụa" , Thu nhi lúc này lộng lẫy trong bộ váy áo sang trọng nhìn vào không khác gì một nữ hoàng sắc đẹp. Đường Lược dìu nàng đi trước sự ngưỡng mộ của tất cả những gì xung quanh, quả là trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa ( Chỉ bị mỗi tội hơi già) . Nàng bước lên thuyền, mỗi bước chân đều khiến nam nhân ngơ ngác. Nhịp đều bước đã lên trên thuyền, con thuyền rời bến vẫn còn khiến trai tráng trên bờ ngóng theo ngưỡng mộ.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


Con thuyền lớn của Đường Lược sẽ xuôi theo dòng sông Cái mà bơi xuống hạ lưu, nơi có một bến thuyền khác dẫn đến thành Đại La. Đường Lược lần này đi mang theo một đội hộ tống gồm 20 kỵ binh võ trung của mình, dẫn đầu vẫn là võ sư Trần nổi danh võ công cái thế, đây được xem là một tổ đội rất mạnh ở Giao Chỉ. Thu nhi đứng bên mạn thuyền nhìn về đất Cổ Loa, trong lòng nàng bất chợt xuất hiện dòng cảm xúc kỳ lạ, cứ như đây là một lần đi vĩnh viễn không trở lại, tâm trạng xao xuyến buồn mênh mang. Đang lúc trong dòng cảm xúc, một vòng tay từ sau ôm lấy eo nàng, tiếng người chồng thì thầm hỏi nhỏ.

- " hiền thê, đây có phải là lần đầu tiên nàng rời khỏi đất Cổ Loa để đi đến một nơi khác xa xôi?"

Vừa nói vừa nhẹ nhàng siết vòng tay. Thu nhi cảm nhận được vòng tay ấm áp yêu thương của chồng, trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc lớn lao, nàng khẽ mỉm cười gật đầu.

- " vâng, đúng như phu quân nói. Đây là lần đầu tiên thiếp đi xa thế này nên trong lòng cảm thấy rất kỳ lạ, cảm giác này không biết phải diễn tả thế nào nữa?"

Nói xong thì khẽ dựa lưng vào sau, mà Đường Lược cũng tình tứ hôn khẽ lên má nàng. Hai vợ chồng im lặng ngắm nhìn bên bỉ ngạn, cảm nhận ánh chiều nhạt dần trên những lá cỏ um tùm hai bên bờ sông. Trong ánh chiều mờ dần, vẻ đẹp đất trời chìm trong sắc đỏ của hoàng hôn rực lửa, dòng sông Cái tựa như lấp lánh tỏa sáng giữa đất trời phương nam. Họ cứ ôm nhau tình tứ như thế một lúc, Đường Lược phá vỡ sự im lặng bằng một câu hỏi.

- " nàng là người bản xứ, chắc hiểu Đại La có ý nghĩa thế nào với người Kinh chứ? "

Thu nhi nghe vậy thì khẽ cười, ánh mắt vui tươi mà quay sang nhìn chồng trả lời.

- " đương nhiên là thiếp biết. Vùng đất Đại La là vùng đất mà quốc tổ Lạc Long Quân đã đến khai hoang mở cõi, lập làng xây ấp cho con cháu đời sau lập quốc..."

Nói đến đây thì chợt nhận ra điều gì đó mà khựng người lại, vẻ mặt cũng trở nên lúng túng. Giao Chỉ bây giờ đang là một phần lãnh thổ của phương bắc, Kinh tộc chỉ là một dân tộc thiểu số của bắc quốc mà thôi. Thu nhi nhắc đến chuyện xưa quốc tổ xây dựng căn cơ cho vua Hùng lập quốc cũng tức là nói đất nước này đã bị nhà Hán tiêu diệt, cũng như thể hiện rằng trong lòng Kinh tộc vẫn không chịu thuần phục mà vẫn nhớ đến cố quốc. Những lời nói này là chuyện bình thường của người Kinh nói với nhau, nhưng trước mặt nàng là một người Hán, tự nhiên lời nói của nàng cũng có sự ngại ngùng. Nàng vì thế mà cảm thấy sợ hãi, thế nhưng Đường Lược không những không trách mắng nàng mà còn mỉm cười dỗ dành.

- " phải rồi, nàng nói không sai. Bây giờ giang sơn tuy có chút thay đổi, nhưng dù là người Kinh hay người Hán thì đều là đồng bào của Đông Ngô mà, phải không?"

" Đồng bào Đông Ngô ư?" Thu nhi khẽ bật cười, nàng quay lại ôm lấy chồng mình trong buổi chiều êm dịu. Đường Lược biết người Kinh thường gọi nhau là đồng bào, cho nên hắn nói vậy là để dỗ dành vợ mình, nhưng hắn là người Hán vốn không hiểu hai chữ đồng bào là gì. Theo truyền thuyết người phương nam kể rằng tổ mẫu Âu Cơ đã sinh ra một cái bọc lớn trăm trứng, nở ra trăm con, và những người con đó đã xây dựng đất nước. Từ đồng bào ở đây là ám chỉ những người có chung nguồn gốc từ cái bào thai trăm trứng đó, tức là nói về dân tộc Kinh mà thôi. Đường Lược là dân tộc hoa, con cháu của tổ mẫu Nữ Oa thì làm gì có liên quan đến cái bọc trăm trứng mà gọi một tiếng "đồng bào " ? Thu nhi biết là như vậy, nhưng nàng không nói ra để làm gì, bởi nàng biết Đường Lược chỉ là đang cố gắng làm nàng vui. Nàng gục đầu vào ngực chồng, cảm nhận nhịp tim của con người vĩ đại, một người chồng mẫu mực. Trong khoảnh khắc như thế này, con người ta thường nhắm mắt lại để cảm nhận tình yêu thương được rõ ràng hơn. Từng nhịp tim và hơi thở, từng cử chỉ yêu thương dịu dàng. Thu nhi tin rằng trên đời này không có người chồng nào tốt hơn người chồng mà nàng đang có.

Chiếc thuyền lớn vẫn xuôi dòng về phía đông, tựa như đang bỏ lại mặt trời đỏ rực sau lưng. Hai hàng hộ vệ vẫn chia nhau cảnh giới, người lái thuyền vẫn cứ lái thuyền, tất cả đều im lặng cho đôi vợ chồng mới cưới cảm nhận được không gian hạnh phúc riêng tư của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Bạch Đạo Sư

Số ký tự: 0