Bloger Ẩm Thực Năm 60

Chương 4

Đường Tô

2024-07-15 07:54:26

Chuyển ngữ: Dưa Hấu Không Hạt

Lâm Nhiên Nhiên lấy một túi rau mận khô[1] ra. Đây là do Lâm Vương thị chia cho "Lâm Nhiên Nhiên" mang đi lúc rời khỏi nhà họ Lâm. Hiện giờ nhà nào cũng thiếu gạo, thiếu thịt nhưng không thiếu rau.

[1] còn gọi là rau khô; đặc sản vùng Chiết Giang, Quảng Đông; làm từ các loại rau như cải canh, cải dầu, cải bắp, cải bắc thảo…; cách làm chung: rau rửa sạch phơi khô rồi xếp hũ, cứ một lớp muối một lớp rau, bịt kín hũ, sau mười ngày nửa tháng thì vớt ra phơi nắng; tác dụng: giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, trị ho, khai vị… (theo Baidu)

Thôn Điềm Thủy nằm ở phía nam, sản vật phong phú, rau củ trong ruộng đất riêng ăn không hết sẽ được mang đi phơi nắng để tích trữ. Loại rau mận khô này là đặc sản của thôn Điềm Thủy, cải canh vụ thu non mỡ được hái xuống phơi khô, có thể ăn suốt mùa đông. Nhưng rau mận khô phải ăn với thịt mới ngon, "Lâm Nhiên Nhiên" không biết nấu nên vẫn giữ lại đến khi được Lâm Nhiên Nhiên mang vào căn bếp này.

Ở thời đại của Lâm Nhiên Nhiên, rất ít nhà nông tự làm rau khô. Loại rau mận khô này có chứa dầu, màu đen sẫm, mùi thơm dịu, rất thích hợp nấu với thịt lợn mỡ.

Lâm Nhiên Nhiên ngâm rau mận khô trong nước ấm rồi sơ chế thịt lợn trước.

Thịt lợn thời nay được nuôi thuần, ba lớp ba chỉ nạc mỡ đan xen, thịt mỡ trắng phau, thịt nạc đỏ tươi, vừa nhìn đã biết là thịt ngon.

Lâm Nhiên Nhiên cạo sạch lông trên da lợn, dùng đèn khò đốt rồi làm sạch. Gừng được thái lát mỏng, hành cắt thành đoạn, luộc với thịt lợn trong nước lạnh vài phút rồi vớt ra để ráo.

Cô dùng tăm chọc nhiều lỗ vào miếng thịt, rưới đều tương đen lên để thịt thấm vị hơn. Sau đó cô cho dầu vào chảo chiên vàng bì lợn, đến khi thấy bì nổi bọt khí thì vớt ra để nguội. Thịt được thái miếng đều nhau, chỉ cắt đến sát phần bì sao cho cả miếng thịt vẫn dính liền.

Lâm Nhiên Nhiên lấy một bát tô nông miệng lớn, thêm nước tương, tương đen, đường cát trắng, hạt tiêu chế thành nước sốt rồi phết đều lên từng thớ thịt.

Lúc này rau mận khô đã được, cô vớt ra vắt kiệt nước rồi cho rau mận khô vào chảo dầu nãy vừa chiên thịt, rưới phần sốt còn dư vào xào đều. Cuối cùng, cô nhồi rau mận khô đã xào vào từng lát thịt, phần còn lại trải đều, lấp kín lên bề mặt.

Cô đặt bát tô vào nồi hấp, đun ở lửa lớn, sau đó vặn lửa vừa rồi nhỏ dần, hầm trong hai giờ là có thể ăn. Thật ra dùng nồi áp suất sẽ bớt việc và đỡ phí sức hơn, nhưng không mềm như nấu chậm trên lửa nhỏ, vì thế Lâm Nhiên Nhiên thà làm cực hơn.

Trong khi làm thịt hầm rau mận khô, Lâm Nhiên Nhiên lấy nước kho già[2] cất trong tủ lạnh ra nấu; phổi lợn, ruột già và ruột non đều đã rửa sạch, cô chần qua nước lạnh rồi cho vào hầm chậm cùng nước kho già.

[2] lão lỗ thang; còn gọi là nước kho cũ (trần lỗ thang) hay nước kho trăm tuổi (bách niên lão thang); là phần nước thu được trong quá trình kho thức ăn, sau mỗi lần kho, nước dùng này được hớt váng và lọc sạch, mang đi bảo quản, theo thời gian, nước mới và gia vị được thêm vào để tiếp tục sử dụng, quá trình này làm hương vị của nước kho thêm ngọt và đậm đà, các món dùng nước kho già đậm vị, béo ngậy nhưng không ngấy, thịt sẽ thơm ngon, đều màu và mọng nước hơn (theo Baidu)

Chẳng mấy chốc, mùi cay nồng của món kho và mùi thơm đặc trưng của thịt hầm rau mận khô đã tỏa khắp căn bếp.

Lâm Nhiên Nhiên giống như thần giữ của, kiểm đếm lại đồ đạc trong bếp. Chiếc tủ đầy ắp các loại gia vị, làm nổi bật thân phận blogger ẩm thực của cô. Nhưng hiện giờ Lâm Nhiên Nhiên không để ý đến việc này mà kiểm tra lại lương thực dự trữ.

Ba túi bột mì mười cân, hai túi bột bánh bao năm cân, một túi gạo hai mươi cân và một thùng mì khô. Đậu xanh, đậu đỏ, hạt ý dĩ cùng các loại hạt ngũ cốc khác đều được đựng trong lọ nhỏ, áng chừng chưa tới năm cân. Trong góc có vài thùng hàng chất đống chưa kịp mở ra, đó là vì trước khi cô xuyên không, đúng lúc có đợt giảm giá lớn nên Lâm Nhiên Nhiên đã gom đơn mua một lần rất nhiều hàng.

Hiện giờ cô vô cùng biết ơn thói quen vung tay quá trán của mình. Cô có một bạn thân là nhân viên văn phòng, phòng bếp và tủ lạnh lúc nào cũng trống không, nếu đổi thành cô nàng mang phòng bếp về thời đại này, có lẽ ngày đầu tiên đã chết vì đói.



Kiểm kê đồ đạc xong, Lâm Nhiên Nhiên mới nhớ ra cô còn hai đứa em đang chờ ăn. Cô đeo tạp dề, nhào bột trên thớt, cán mỏng, cắt thành từng sợi nhỏ rồi nấu một nồi mì. Lúc này tim lợn đã được hầm nhừ, dùng đũa chọc vào sẽ biết. Lâm Nhiên Nhiên lấy tim lợn ra, đặt lên thớt rồi thái miếng vừa ăn.

Làm xong những việc này, Lâm Nhiên Nhiên mang tim lợn ra khỏi không gian. Cô đã tính toán rõ ràng, thời gian bên trong không gian và bên ngoài thế giới thực được quy đổi là 4:1. Nói cách khác, vừa rồi trong không gian cô đã tốn hai tiếng nhưng bên ngoài mới trôi qua nửa giờ.

"Cơm xong rồi, Tiểu Thu, Tiểu Cảnh, ra ăn đi." Tay Lâm Nhiên Nhiên cầm khăn lót, đặt một tô mì lớn lên bệ bếp.

Người trong thôn đều thích cầm bát ăn cơm tụ tập trước cửa, vừa ăn vừa chuyện phiếm, người quen còn ăn thử dưa muối của nhau. Nhưng “Lâm Nhiên Nhiên” từ huyện đến, không thích ứng được cách ăn thôn quê này.

Nhà "Lâm Nhiên Nhiên" khá chú trọng tướng ăn, bởi thế “cô” thường xuyên bị chị em họ và các thím nhục mạ. Họ ghét con bé trên huyện có vẻ ngoài học thức, như thể nó cố tình làm nổi bật cái vẻ tục tằn của họ. Nhưng lúc ở riêng, họ lại thường ngấm ngầm bắt chước tác phong của "Lâm Nhiên Nhiên".

Lâm Nhiên Nhiên không ngại ăn ở đâu, nhưng hôm nay có thịt, cô không dám cho người khác thấy, đành phải ăn trong bếp.

Chiếc bát tô bằng sứ bị vỡ của "Lâm Nhiên Nhiên" vẫn dùng để đựng mì, thân bát hơi ố vàng, đáy bát nhuộm một vòng tròn màu nâu, đúng là đồ của thời đại này. Lâm Nhiên Nhiên lấy đũa từ trong bếp ra, là loại đũa gỗ thô tối màu, không có hoa văn, chắc chắn sẽ không thu hút sự chú ý của người khác.

Nước mì nóng hổi tỏa mùi thơm quyến rũ, Tiểu Thu và Tiểu Cảnh chạy từ phòng ra, giống như cún con háu ăn, hít hà ngửi mùi thơm nức mũi trong không khí, Tiểu Thu không dám tin hỏi: "Chị, món này do chị làm ạ? Thơm quá!"

"Là mì! Chị ơi, em đói, em muốn ăn." Tiểu Cảnh ngậm ngón tay vào miệng, thèm đến mức nuốt nước bọt ừng ực.

Lâm Nhiên Nhiên lập tức rút ngón tay nó ra, cười nói: “Chị đã nói gì nào?”

"Không... không được ngậm ngón tay ạ." Tiểu Cảnh nhớ lời chị dặn, vội cúi đầu nhận lỗi.

“Ngoan.” Lâm Nhiên Nhiên dùng thau gỗ vỡ múc nước, lén pha với nước nóng trong không gian rồi bảo các em phải rửa tay mới cho chúng ăn cơm.

Sợi mì trong bát trắng phau, đều đặn, ngâm trong nước lèo nóng hổi. Tim lợn được thái thành lát nhỏ đặt lên trên sợi mì, ngoài mùi thơm quyến rũ của thịt còn ngửi thấy mùi thơm của lúa từ sợi mì, mùi thịt của tim lợn, mùi thuốc đắng của sâm lát và đậu khấu. Một miếng mì trắng cộng thêm một miếng tim lợn trong buổi sớm mùa đông lạnh buốt khiến họ hạnh phúc tới nỗi khó diễn tả thành lời.

Hai đứa trẻ vùi đầu ăn từng miếng lớn, má căng phồng. Lâm Nhiên Nhiên chống cằm cười nhìn chúng, đối với một đầu bếp mà nói, còn gì sung sướng hơn việc được người khác khen ngợi đồ ăn mình nấu?

“Chị, chị ăn đi.” Tiểu Thu thấy Lâm Nhiên Nhiên không động đũa, nó nhanh chóng gắp một miếng tim lợn đưa tới bên miệng Lâm Nhiên Nhiên.

"Chị ăn rồi, Tiểu Thu ngoan, tự em ăn đi." Lòng Lâm Nhiên Nhiên vừa ấm áp vừa chua xót, nhìn hai đứa trẻ đã ăn một lúc lâu, nhưng tim lợn trong bát vẫn không vơi đi, nói: "Sao em không ăn tim lợn?"

"Ăn xong sẽ hết." Mặt Tiểu Thu lộ vẻ buồn bã không hợp với tuổi, "Nội nói phải tiết kiệm thịt, con gái... con gái không được ăn thịt."

"Hừ, đừng nghe bà ta sủa..." Lâm Nhiên Nhiên khó lắm mới nhịn không chửi bậy, gắp tim lợn đút vào miệng Tiểu Thu và Tiểu Cảnh, "Ăn miếng lớn vào, ăn xong rồi sửa soạn gọn gàng, chị dẫn mấy đứa ra ngoài."

"Chúng ta đi đâu? Phải về nhà nội ạ?" Tiểu Thu lo lắng hỏi.



Vừa nghe về nhà bà nội, Tiểu Cảnh run rẩy, khuôn mặt nhỏ méo xệch, nói: "Em không về nhà nội, không về nhà nội đâu!"

Xem Lâm Vương thị khiến hai đứa trẻ sợ hãi nhường nào. Lâm Nhiên Nhiên thở dài nói: "Đừng lo, chúng ta không về nhà nội, chị dẫn mấy đứa lên huyện."

Ăn xong, Lâm Nhiên Nhiên vào không gian kiểm tra một lúc. Thịt lợn đã được hấp chín, nước sốt óng ả, vị ngọt dịu đặc trưng của rau mận khô và vị đậm đà của nước thịt hòa quyện với nhau khiến Lâm Nhiên Nhiên vừa ăn xong lại cảm thấy đói bụng.

Món kho đã vừa miệng, Lâm Nhiên Nhiên tắt lửa, cắt một khúc ruột già rồi cắt thêm một miếng phổi lợn, sau đó xếp bảy tám lát thịt lợn hầm vào cùng, nhét đầy hộp cơm sắt. Cô bọc hộp cơm thật chặt bằng một miếng vải màu lam cũ để mùi thơm không thoát ra ngoài rồi cất vào chiếc túi đeo vai màu xanh quân đội.

Làm xong hết thảy vẫn chưa tới chín giờ sáng. Sau khi chốt chặt cánh cửa gỗ đã sắp mục nát, Lâm Nhiên Nhiên tay trái nắm tay em trai, tay phải nắm tay em gái ra ngoài.

Mùa đông không có việc gì làm, người trong đội không phải làm việc, đây là thời gian rảnh rỗi hiếm hoi trong năm của người nhà nông. Lâm Nhiên Nhiên chọn đi trên con đường nhỏ ít người qua lại, nhưng vẫn không tránh khỏi việc gặp phải cánh đàn bà ngồi ở ngưỡng cửa vừa khâu đế giày vừa tám chuyện.

"Ấy, Nhiên Nhiên dẫn em trai em gái đi đâu thế?"

Lâm Nhiên Nhiên nói: “Cháu lên huyện đưa Tiểu Thu đi khám bệnh ạ.”

"Hả? Không khỏe ở đâu?" Một đám đàn bà vây quanh nói chuyện ầm ĩ, hết nhéo mặt lại sờ tay Tiểu Thu, cuối cùng thổn thức nói: "Đứa bé đang yên đang lành, không biết hôm nay xe của đội sản xuất đã lên huyện chưa, mấy đứa nhanh đến cổng thôn đợi xem, nếu đi bộ thì phải mất một ngày đấy."

Lâm Nhiên Nhiên cười cảm kích: "Dạ, cảm ơn thím. Chúng ta đi thôi, Tiểu Thu, Tiểu Cảnh chào các thím đi."

Tiểu Thu, Tiểu Cảnh ngẩng mặt lên, ngoan ngoãn chào rồi theo Lâm Nhiên Nhiên rời đi.

Nhìn bóng lưng ba chị em, cánh đàn bà tụ tập lại bàn tán: “Chắc là sợ nhà họ Lâm tính sổ nên dẫn em trai em gái lên huyện trốn đấy?”

"Mười cân thịt cơ mà, chẳng khác nào xẻo thịt trên người Lâm Vương thị, chờ Lâm Vương thị hồi sức lại chịu tha cho nó chắc?"

"Cô lo cho nó làm gì? Cô không thấy nó ra oai phủ đầu trên sân đập lúa thế nào thôi, nó nói muốn lên huyện tố cáo đấy. Cô nói xem có khi nào nó lên huyện tố cáo thật không?"

"Không phải chứ? Thế thì con nhóc này ranh ma quá, dẫu sao Lâm Vương thị cũng là bà nội của nó."

"Thì đó, con nhóc kia cũng chẳng phải thứ tốt lành gì. Bố mẹ vừa mất không lâu đã chui vào rừng hoang với người ta."

"Cái gì? Chui vào rừng với ai cơ?" Chủ đề hường phấn này lập tức khơi dậy sự phấn khích của đám đàn bà phụ nữ, các bà các cô thì thầm to nhỏ, liên tục cười quái gở.

Lâm Nhiên Nhiên không nghe thấy họ bàn tán chuyện gì. Cô dẫn em trai em gái đi dọc theo con hẻm nhỏ lát đá xanh ẩm ướt dẫn đến một khoảng sân.

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Bloger Ẩm Thực Năm 60

Số ký tự: 0