Mộng Đổi Đời

Chương 1.9

Đông Tây

2024-12-11 01:16:07

Type: Tala Tala

11.

Mùa hè năm sau, kết quả thi đại học của Uông Trường Xích không đủ điểm chuẩn, ngay cả điểm để tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp cũng không đủ. Về đến nhà, đầu gối của Uông Trường Xích bỗng nhiên trở nên mềm nhũn, quỳ trước mặt Uông Hòe. Uông Hòe nhắm mắt, đôi bàn tay lúc nắm lại, lúc xòe ra, nắm thật chặt như thể ông muốn vắt không khí thành nước. Uông Trường Xích cảm thấy xấu hổ vô cùng, tiếc rằng mình không đủ khả năng để cuộn tròn trong lòng bàn tay bố để ông có thể bóp chết mình ngay lập tức. Đôi bàn tay Uông Hòe vẫn nắm lại xòe ra liên tục, thời gian bỗng kéo dài một cách lạ thường, trôi chậm chạp đến độ khiến người ta khó thở. Chiếc ghế lăn phát ra mùi khăm khắm giống như nước đái. Uông Trường Xích cúi đầu và thấy rõ, Uông Hòe đang mặc một chiếc quần lửng, kỳ thực là một chiếc quần dài đã bị cắt phân nửa để trở thành quần lửng, có hai lỗ thủng to tướng và vô số những lỗ rách nhỏ hơn. Lỗ thủng to là do vải mục nên rách nát, lỗ thủng nhỏ là do lửa từ thuốc lá đốt cháy. Đôi chân Uông Hòe thịt ít mà xương nhiều, khô đét như hai que củi, đất bụi bám đen ngờm, bẩn thỉu, móng chân vừa dài vừa đen. Cuối cùng thì đôi bàn tay của Uông Hòe cũng không nắm lại mở ra nữa, đôi mắt cũng đã hé mở, thở dài sườn sượt:

- Sao lại càng thi càng kém?

- Đề thi khó hơn so với năm ngoái.

- Có hơn cũng không để mất một trăm điểm…

- Con… không bỏ buổi học nào, thức khuya dậy sớm, nhớ kỹ học thuộc… dùng đủ các chiêu…

- Thế thì đầu óc của mày biến thành củ khoai rồi, không hoạt động nữa.

- Có lẽ thế. Đầu óc bị nhét quá nhiều thứ vào, kết quả là không nhớ được gì cả…

- Cục cứt! – Uông Hòe quay người nhìn về dãy núi xa xa giây lâu. – Thế, mày định làm gì?

- Về nhà làm ruộng.

- Thế mày sẽ phải quỳ vĩnh viễn.

- Con không thông minh như bố nghĩ, cũng có có tính nhẫn nại…

- Mày có, chỉ cần tiếp tục ôn thi là mày sẽ có hết!

- Nhưng… con không muốn học nữa đâu.

- Vậy mà chỉ còn một việc là chịu lỗi với bố, với mẹ mày thôi sao?

Nói xong, Uông Hòe dùng chiếc gậy chống xuống đất, đẩy mạnh. Chiếc ghế lăn lách cách lạch cạch chạy một cách khó nhọc, bốn bánh xe bằng gỗ dính đầy đất, cỏ rác, lá cây và có cả tóc. Uông Trường Xích đứng dậy, quay đầu nhìn ra xa. Cây trên núi um tùm, những tán lá đang lấp lóa dưới ánh nắng. Mùi gỗ thơm cộng với mùi cỏ dại trong gió thoang thoảng, tiếng côn trùng lúc trầm lúc bổng, lúa mạch trong núi đã ngả màu vàng vàng…

Uông Trường Xích theo Lưu Song Cúc gặt lúa, mẹ gặt con bó. Trong lúc nghỉ ngơi, hai mẹ con ngồi hóng mát dưới bóng râm của hàng cây bàng. Lưu Song Cúc nói nhiều về những chuyện phát sinh trong thôn hơn một năm qua, nào là chuyện Lưu Bách Điều đánh bạc nợ hơn một nghìn đồng, suýt chút nữa thì vợ gã đốt nhà; chuyện cặp trâu nhà Điền Đại Quân bị bắt trộm, có người thì thầm rằng đó là do Trương Tiểu Hoa cấu kết với kẻ trộm ngoài thôn hành sự; chuyện con gái Trương Ngũ đi làm thuê trên thành phố, mỗi tháng đều gửi tiền về nhà nên họ Trương đã xây được một ngôi nhà hai tầng rưỡi bằng xi măng cốt thép hẳn hoi; chuyện Uông Đông, vợ của Vương Đông mắc bệnh phụ khoa phải uống thuốc liên tục, cô ta ném hộp thuốc và bảng chỉ dẫn uống thuốc lung tung khắp nơi, ngay cả mấy đứa trẻ trong thôn cũng đọc được những chữ như “viêm tử cung”, “kinh nguyệt không đều”…

Những chuyện trong thôn chỉ đủ cho Lưu Song Cúc kể hai ngày nhưng lúa trong ruộng mới chỉ thu hoạch được một nửa. Dưới cái nóng đổ lửa và sự tĩnh lặng trong núi, không còn chuyện gì để kể nữa thì Lưu Song Cúc lại quay sang nói về mình:

- Có một buổi chiều tối, mẹ đang bón phân trồng rau dưới ruộng thì bị Vương Đông bất ngờ đi ngang qua chọc ghẹo…

- Mẹ có thuận tình với anh ta không? – Uông Trường Xích cướp lời, hỏi.

- Thuận tay, mẹ ném thẳng vào người hắn một nắm phân, phân người hẳn hoi khiến toàn thân hắn thối đến mấy ngày.

- Bố có biết chuyện này không?

- Mẹ nói với ông ấy rồi.

- Thái độ của bố ra sao?

Đột nhiên Lưu Song Cúc đưa tay lên chùi mắt, nói:

- Cách ứng xử của mẹ cũng chính là thái độ của bố. Ông ấy nói, trước khi con đỗ đại học, chúng ta không được làm bất cứ điều gì không trong sạch. Bố con còn nói, nếu con thi đỗ rồi thì mẹ có thể làm gì tùy thích. Bố cũng thừa biết là mẹ không phải là loại đàn bà thích gì làm nấy, nhưng ông ấy vẫn cứ nói như vậy. Bố mẹ mỗi ngày đều thấp hương vấn quỷ thần tổ tông, sợ rằng chỉ cần có một chút ngoài ý nghĩ méo mó trong đầu là con sẽ chịu báo ứng. Không dám dẫm lên kiến, không dám giết gà mổ thịt, gặp ai cũng phải nhún ngường ba phần. Đất hai bên phần mộ của bà nội con bị Trương Tiên Hoa lấn chiếm, bố mẹ cũng không một tiếng tranh giành. Tổ tông đã nhìn thấy hết, thần thánh cũng nhìn thấy hết… Cho dù con có đỗ đại học, mẹ cũng chẳng thể hành sự một cách tùy tiện. Bố mẹ không thể giúp con làm bài tập, đọc thuộc sách thì cũng có thể giúp con tích một chút đức.

Uông Trường Xích cảm thấy lòng dạ nôn nao, chua xót. Cậu không ngờ rằng, việc đi thi của mình lại có liên quan cả đến quan hệ nam nữ của mẹ, thậm chí còn liên quan đến chuyện những con kiến đang bò dưới đất. Mấy ngày sau đó, cậu ấy không hề mở miệng nói năng và hình như Lưu Song Cúc cũng đã nói hết những gì cần nói. Những điều phiền muộn, bực tức trong lòng, cậu dồn vào cánh tay đang bó lúa, vác lúa của mình. Những bó lúa được bó xong bị Uông Trường Xích dùng sức vất lên vai, bông lúa đập vào xương sườn lả tả rụng xuống đất, những âm thanh rào rào nhè nhẹ vang lên khiến hẻm núi càng trở nên hoang vắng.

Uông Hòe đã có thể chống ghế lăn đi lại trong nhà để nấu cơm. Mỗi ngày từ ruộng quay về, Uông Trường Xích và mẹ đều được ăn những bữa cơm nóng. Ngoài việc nấu cơm, Uông Hòe còn có thể bóc hạt ngô, quét tước, bóc đậu lạc cho gà ăn. Sau mỗi bữa tối, Uông Hòe đều nhắc đến chuyện Uông Trường Xích phải tiếp tục ôn thi. Mỗi lần nghe nhắc đến chuyện ấy, Uông Trường Xích đều im lặng, mãi rồi mới nói:

- Con tiếp tục ôn thi, bố mẹ có lo được không?

- Không vấn đề gì cả, không phải một năm qua bố mẹ vẫn sống đấy sao?

Uông Trường Xích không tin lời bố. Một năm qua, phí tổn ăn uống, quần áo, sách vở tất tần tật, cậu nhẩm tính ít nhất cũng phải đến một nghìn hai trăm đồng. Không còn trâu để bán, cả nhà chỉ còn trông chờ vào một con lợn đang nuôi trong chuồng để chuẩn bị cho sang năm. Ngoài việc bán gà, trứng gà và cả con chó Vàng, cơ hồ chẳng còn có nguồn thu nhập nào khác. Bố mẹ cũng đã bán nốt con chó Vàng rồi còn gì! Suốt năm qua, hai người chẳng sắm nổi một bộ quần áo mới, thậm chí Uông Hòe còn ngừng cả việc uống thuốc giảm đau vì cậu nghe bố ca cẩm là mấy ngày trời mưa, sống lưng của ông lại đau ê ẩm.

Uông Trường Xích lặng lẽ đến nhà chú Hai căn vặn:

- Có phải bố mẹ cháu mượn tiền không?

- Làm gì có!

Cảm thấy kỳ lạ, Uông Trường Xích nhân lúc cả nhà không để ý đã lật tung rương hòm, mùng mền chăn chiếu lục lọi, lôi ra một mảnh giấy từ trong chiếc gối của Uông Hòe, trên đó viết:

Nợ chú Hai 300 đồng

Nợ Trương Tiên Hoa 200 đồng

Nợ Vương Đông 150 đồng

Nợ Trương Ngũ 100 đồng

Nợ Lưu Bách Điều 16 đồng

Trời ạ, bố mẹ lại gây chuyện với gã lắm chuyện! Mảnh giấy trong tay Uông Trường Xích đang run rẩy theo nhịp run của bàn tay. Run thật lâu, cậu mới xếp mảnh giấy lại gọn gàng nhét vào túi áo. Ngay lập tức, chiếc túi áo trở nên nặng trình trịch chẳng khác nào nó phải mang một cục sắt khiến một bên tà áo trễ xuống. Uông Trường Xích cầm ảnh giấy lần lượt đến gặp những người cho mượn tiền. Tất cả bọn họ đều nói y chang một câu là, bố cháu cứ dặn đi dặn lại là không nên hé lộ việc này để khỏi ảnh hưởng đến việc học tập của cháu. Uông Trường Xích cầm những tờ giấy mượn tiền trong tay họ đem về nhà, viết lại thành năm tờ giấy mượn tiền mới, người mượn tiền từ Uông Hòe đã biến thành Uông Trường Xích. Uông Hòe không hề hay biết chuyện thay đổi này, ngày nào cũng khuyên Uông Trường Xích tiếp tục ôn thi. Uông Trường Xích có cảm giác là bố chẳng khác nào những phát thanh viên thời sự trên truyền hình, ngày nào cũng cứ lặp đi lặp lại những câu nói chán phèo, không quan tâm gì đến thực lực của gia đình.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


Khi lúa má đã thu hoạch xong, Uông Trường Xích dùng xà phòng kỳ cọ đôi chân, cắt những móng chân vừa dài vừa đen đúa cho Uông Hòe. Uông Hòe nói:

- Xem dáng vẻ thì hình như con định đi học ôn thi?

- Con định lên thành phố làm thuê.

- Đồ nghiệt súc! Có sách mà mày không chịu đọc, lại muốn chuốc lấy khổ. Mày đã giết chết bao nhiêu hy vọng của cả nhà rồi! Nếu mày không chịu học, mày phải đem những chiếc móng chân vừa cắt xong, đem bao nhiêu đất vừa kỳ cọ xong trả lại cho tao! Tao chi mong mày đi học, không mong được mày rửa chân!

- Con không phải loại người dành cho việc đọc sách. Con thuộc về đại đa số những người bình thường.

- Không! - Uông Hòe lắc đầu - Mày là thiên tài! Mày là cứu tinh của cả gia đình ta!

- Bố quá đề cao con rồi! Thực ra con không là cái thá gì cả, chỉ là một đống cứt!

12

Uông Trường Xích lặng lẽ rời nhà từ lúc gà gáy sáng. Cậu đeo ba lô, xách đôi giày thể thao, bằng đôi chân trần sải bước trên con đường đầy bùn nhão. Mặt đường lạnh căm khiến Uông Trường Xích chợt nhớ đến một câu danh ngôn: "Bùn đất trên đường chính là hồn cốt của tố tiên". Những hạt sương đeo trên đầu ngọn cỏ làm ướt sũng đôi ống quần cậu, thi thoảng từ trong rừng vang vọng ra những tiếng kêu quái dị của các loài động vật hoang dã. Bầu trời vẫn tối đen, ngàn sao lấp lánh. Đi đến hàng cây phong chỗ ngã tư, Uông Trường Xích ngoái đầu nhìn lại. Xóm làng ẩn ẩn hiện hiện, nhà cửa cây cối chỉ là một khối đen ngòm. Cậu nhìn mãi, nhìn mãi cho đến khi mắt nhòe đi, xót ngứa như mắc phải chứng đau mắt hột, như đây là lần cuối cùng được nhìn xóm làng thân yêu. Lâu lắm, màu sắc của không gian dần dần thay đổi từ đen kịt chuyển sang đen mờ. Nhà cửa đã có đường nét, cây cối đã có hình trạng. Đưa tay lên chùi mắt, Uông Trường Xích quay người đi thẳng. Đến đập chứa nước, cậu rửa sạch đôi chân bám đầy bùn đất, mang đôi giày sạch trên tay vào rồi đến bên lề quốc lộ chờ xe. Trời đã sáng hẳn. Trong lúc cúi đầu nhìn xuống trong giây lát, cậu mới phát hiện ra đôi giày thế thao của mình đã được giặt sạch, sạch đến trắng toát, trắng đến độ giống như những bức tường sơn trắng trong thành phố.

Khi Uông Hòe thức giấc thì ánh nắng ban mai đã chiếu lên đôi mông còm nhom của ông. Kêu lên mấy tiếng "Trường Xích", "Trường Xích"... nhưng ông không nghe thấy tiếng trả lời. Lưu Song Cúc chạy vào, bế Uông Hòe đặt lên chiếc ghế lăn. Uông Hòe nói, đây là lần đầu ông ngủ dậy muộn, còn Trường Xích đi đâu không thấy, Lưu Song Cúc buồn buồn nói Trường Xích đã đi lên thành phố. Uông Hòe chống xe lăn ra khỏi cửa, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía dãy núi xanh mờ xa xa, bắt đầu lên tiếng chửi:

- Uông Trường Xích! Uông Trường Xích!... Mày là đồ bỏ đi… Mày là thằng hèn… Có sách mà mày không chịu đọc, lại bỏ đi làm thuê. Mày không thích làm cán bộ mà chỉ muốn chuốc lấy cái khổ vào thân! Mày không làm cho tổ tiên nở mày nở mặt, mày bôi tro trát trấu vào mặt tao với mẹ mày… Tao sinh mày ra là sai lầm rồi, tao đánh giá cao mày quá rồi... Uông Trường Xích!

Tuy tiếng chửi của Uông Trường Xích không quá to nhưng do phát tiết từ trong lòng ra nên sức xuyên thấu của nó rất mạnh, do vậy mà những tiếng chửi như một con gió bay qua nóc nhà chú Hai, len lỏi qua những lùm cây rồi lan tỏa vào không gian. Đang ngồi ngủ gật bên lề đường quốc lộ, hình như Uông Trường Xích cũng cảm nhận thấy tiếng chửi nên giật mình tỉnh giấc như có ai đó gọi to tên mình. Bóng núi vẫn đổ xuống những con mương, tiếng nước vẫn chảy róc rách và tiếng ve sầu rả rích giao hòa vào nhau. Trên con đường quốc lộ mốc thếch bụi bặm, một chiếc xe khách trờ tới và dừng lại bên cạnh Uông Trường Xích, cửa xe mở ra, cậu xách hành lý bước lên. Đang ngồi chửi trước cửa nhà, đột nhiên Uông Hòe nín bặt. Đó cũng là lúc chiếc xe ngoài quốc lộ đóng cửa và lao đi.

Mọi người trong thôn đều đã biết chuyện Uông Trường Xích bỏ lên thành phố. Người đầu tiên đứng ngồi không yên là Lưu Bách Điều. Gã cầm tờ giấy mượn tiền đến gặp Uông Hòe, nói.

- Tôi cứ nghĩ nó là đứa có hiếu, hóa ra lại là thằng lừa lọc.

Uông Hòe cầm mảnh giấy xem một lát rồi nói:

- Nó đã dám viết thế này thì nhất định nó sẽ trả.

- Không còn bóng dáng ở đây thì ai trả?

- Không phải là tao đang còn sống sờ sờ đây à?

Ánh mắt Lưu Bách Điều dừng lại khá lâu trên người Uông Hòe như để đánh giá:

- Tôi không tin là trong nhà ông lúc này lại không có đủ mười sáu đồng.

- Hay là mày cứ bắt cặp gà mái nhà tao cho xong chuyện.

Lưu Bách Điều không hề muốn bắt cặp gà mái đã đẻ gần như hết trứng ấy nên đi thẳng vào nhà, lục lọi kiếm tiền. Gã lật chiếc chiếu trên giường Uông Hòe lên, thấy một phong bì nhưng bên trong chẳng có lấy một xu. Gã mở chiếc rương trong góc phòng, lật qua lật lại mấy chiếc áo quần cũ rách nát vẫn không tìm thấy bất kỳ một cái gì đáng giá vài đồng. Tiếp tục mở chiếc tủ dưới bếp, Lưu Bách Điều phát hiện một chiếc lu sành, mở chiếc lu sành ra, thì ra là mỡ lợn. Lưu Bách Điều ôm chiếc lu ra ngoài, nói:

- Thôi thì tôi lấy cái này để trừ nợ vậy.

- Đồ ngu! Mỡ lợn ăn sẽ hết, sao bằng lấy cặp gà. Nó đẻ trứng cho mày, trứng nở ra con, rồi con đẻ trứng, không chừng mày sẽ phát tài nhanh đó.

- Ông cứ giữ cặp gà lại để chuẩn bị phát tài đi. Tôi thích ăn mỡ lợn, đã nửa năm nay chưa hề có chút mỡ nào cho vào mồm, nồi niêu cũng đã gỉ sắt hết rồi.

- Mày lấy lu mỡ đi thì nồi niêu xoong chảo nhà tao cũng không gỉ à?

- Không còn cách nào khác. Chủ nợ lúc nào cũng lâm vào thế bị động. Chủ nợ của tôi cũng đã từng đối phó với tôi thế này, ngay cả chiếc giường nát cũng bị họ siết mất, thậm chí họ còn muốn đào nền nhà tôi lên nữa.

Uông Hòe cúi đầu ngán ngẩm, vò nát tờ giấy mượn tiền trong tay một cách vô thức.

Khi Lưu Bách Điều ôm lu mỡ đang trên đường về nhà thị bị Trương Ngũ trông thấy. Hắn nghĩ thầm, tuy mình đang cầm tờ giấy mượn tiền trong tay nhưng vạn nhất Uông Trường Xích kiếm không ra tiền thì tờ giấy ấy cũng trở thành thừa. Ai dám bảo là Uông Trường Xích sẽ kiếm ra tiền? Ai biết được Uông Trường Xích bao giờ sẽ có tiền? Trương Ngũ suy nghĩ, lo lắng đến nỗi hắn cảm thấy thời gian trôi đi sao mà chậm, thời gian càng chậm thì nỗi lo lắng, nghi ngờ của hắn càng lớn. Ngay lập tức, Trương Ngũ quên phắt chuyện cần phải đi, quay người chạy về nhà, lục tìm tờ giấy mượn tiền rồi hộc tốc chạy đến nhà Uông Hòe. Ông đồng ý sẽ trả tiền lãi nhưng van xin Trương Ngũ thư thả cho vài tháng. Trương Ngũ không muốn trì hoãn việc trả nợ, cho dù chỉ là một khắc, nguyên nhân là vì hắn cảm thấy mình bị coi thường.

- Khi thằng Xích thay tên trong tờ giấy mượn tiền, nó không hề nói là nó sẽ lên thành phố làm thuê. Không nói, có nghĩa là nó gian dối. Nó gian dối có nghĩa là nó coi thường tôi!

- Uông Trường Xích không phải là loại người ấy. – Uông Hòe nói. – Nhất định nó sẽ kiếm được tiền, kiếm được tiền nhất định nó sẽ trả cho mày.

- Những gì mà ông cho là nhất định có thì chắc chắn là không làm được. Lúc trước không phải là ông khẳng định thằng Xích sẽ đỗ đại học sao?

Uông Hòe không thể nặn ra lời để đối đáp nữa. Trương Ngũ đi thẳng vào trong nhà, đảo một vòng rồi quyết định xiết chiếc tủ gỗ.

Nếu mày không tin thì cứ khiêng nó về, dù sao thì nhà tao cũng chẳng còn gì để mà chứa trong đó nữa.

Trương Ngũ đưa tờ giấy mượn tiền đến trước mặt Uông Hòe. Ông cầm lấy, vò nát trong lòng bàn tay. Ông vò, vò mãi đến khi nó vón thành một cục, lòng bàn tay ông ta đau rát mới mở ra. Những con chữ trong tờ giấy dường như đang nhe nanh vuốt giận dữ.

Khi Trương Ngũ khiêng chiếc tủ trên đường về nhà thì bị Vương Đông trông thấy. Một cảm giác nguy cơ đột nhiên nổi lên trong lòng hắn ta, vội vàng lục tìm tờ giấy mượn tiền đến nhà Uông Hòe đòi nợ.

- Trong nhà tao chẳng còn gì đáng một đồng.

- Không phải trên lầu còn có một cỗ quan tài hay sao?

- Đó là cỗ quan tài chuẩn bị cho tao. Mày còn trẻ thế không thể nào chết trước tao được.

- Đây không phải là vấn đề chết hay không chết mà là chuyện tiền của tôi có lấy lại được không.

- Tao dùng nhân cách của mình để đảm bảo là thằng Xích sẽ mang tiền về trả cho mày.

- Nhân cách trong thời đại này chẳng khác một bãi cứt!

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


- Thế thì mày khiêng về đi. Khi nào thằng Xích kiếm được tiền, tao sẽ đòi lại.

Vương Đông gọi Lưu Bách Điều đến giúp đỡ. Hai gã kéo trượt chiếc quan tài xuống những bậc cấp cầu thang rồi mỗi gã một đầu, khiêng ra khỏi cổng. Lòng Uông Hòe tự dưng buồn bã lạ thường, có cảm giác như bị nguyền rủa và chiếc quan tài đang ra khỏi cổng kia có mình nằm trong đó.

Trương Tiên Hoa trông thấy Vương Đông khiêng chiếc quan tài ra khỏi nhà Uông Hòe thì giật mình đánh thột, lập tức chộp lấy tờ giấy mượn tiền như bị ma đuổi đến nhà Uông Hòe.

Uông Hòe ơi là Uông Hòe. – Bà ta vừa thấy chủ nhà đã kêu lên the thé. – Tôi là chủ nợ lớn nhất của ông, trước khi tuyên bố phá sản, ông không thông báo cho tôi lấy một tiếng là vì sao?

- Không phải tôi tuyên bố phá sản, là do bọn chúng không tin thằng Xích.

- Bọn chúng không tin thì tôi dựa vào cái gì để tin?

- Không phải là bà đã thấy thằng Xích trưởng thành rồi hay sao?

- Bọn chúng cũng không phải là đã trông thấy thằng Xích trưởng thành hay sao?

T- ừ xưa đến giờ tôi có bao giờ làm điều không phải với bà chưa?

Trương Tiên Hoa lắc đầu.

- Tôi có bao giờ mượn tiền mà không trả không?

Không.

- Giống nhà ai thì mọc nanh của nhà ấy. trồng loại dưa nào thì cho quả ấy, lần này bà hãy tin tôi, một lần thôi.

Trương Tiên Hoa lẳng lặng ngắm nghía mảnh giấy mượn tiền giây lâu rồi xếp lại một cách cẩn thận đút vào túi áo. Uông Hòe nín thở, người trở nên căng cứng, ngay cả đôi bàn tay cũng nắm lại thật chặt, đôi mắt dán theo bàn tay đút tờ giấy vào túi của Trương Tiên Hoa. Đột nhiên, tay bà ta như bị ai đó chộp giữ thật chặt, không tiến sâu thêm vào túi mà cũng không rời khỏi túi, nói:

- Thằng Xích cũng chưa bao giờ làm điều không phải với tôi, nhưng đó là chuyện khi nó còn ở đây. Lúc này nó đã vào thành phố, hoàn cảnh thay đổi rồi, ai dám bảo đảm là nó vẫn là thằng Xích ngày xưa? Thành phố có quá nhiều kẻ lừa gạt, nó chỉ cần quen với một thằng trong số đó thì ngay lập tức sẽ bị nhiễm thói lừa gạt mà thôi.

- Cho dù có đem thằng Xích nhúng vào trong chậu chàm, tôi vẫn tin là da nó vẫn cứ trắng. Nó không phải là đứa nói mà không giữ lời.

- Những lời này ông đã nói với Lưu Bách Điều và Trương Ngũ phải không?

- Không!

- Tại sao ông lại nói với tôi?

- Bởi trong nhà thật ra là không còn bất cứ thứ gì để có thể xiết nợ nữa.

Trương Tiên Hoa lượn đi lượn lại trong nhà đến mấy vòng. Quả nhiên chẳng còn gì đáng giá đồng tiền nữa. Bỗng nhiên, bà ta vỗ vỗ tay lên trán, nói:

- Không phải là đằng sau núi ông vẫn còn có mấy cây sam à?

- Mấy cây sam đó tôi giữ lại để chuẩn bị sửa nhà. Bà xem mấy cái xà ngang nhà tôi, cái thì mục cái thì mối ăn, e rằng chịu không nổi vài năm nữa đâu.

Trương Tiên Hoa ngước đầu nhìn. Quả thật, thoạt nhìn thì cũng biết ngay mấy cái xà ngang đã rỗng ruột. Đó là hậu quả của việc để cho bọn mối gặm nhấm và mưa dột lâu ngày. Cảm thấy mềm lòng nhưng ngay lập tức, Trương Tiên Hoa tự động viên là phải cứng cỏi, không để cho tình cảm ảnh hưởng đến lợi ích:

- Tôi chỉ quan tâm đến nợ, không quan tâm đến nhà của ông.

Nồi niêu xoong chảo có thể không dính mỡ, chết cũng có thể không cần quan tài, nhưng cái nhà này sập xuống thì cả gia đình tôi trên thì không có miếng ngói, dưới thì không có chút đất để nằm. Ngay cả mấy cây sam bà cũng không tha cho, có phải là bà đã dồn người ta vào bước đường cũng rồi không, xử sự như vậy có khác gì lang sói không?

Đột nhiên Trương Tiên Hoa nổi đóa:

- Ban đầu, khi cho ông mượn tiền cũng chỉ vì giúp đỡ ông nuôi con ăn học. Bây giờ con ông đã trở thành kẻ làm thuê, ông dựa vào đâu để có tiền trả tiền cho tôi?

- Thằng Xích được dạy dỗ đàng hoàng, tại sao bà lại không tin tưởng nó chứ?

- Bởi nó không phải là con tôi.

Uông Hòe thở dài:

- Có cần tôi phải viết cho bà mấy chữ không?

- Viết cái gì?

- Nếu nửa năm sau mà thằng Xích không gửi tiền về trả đủ cho bà thì số tiền ấy chúng tôi phải gả gấp hai lần.

- Tiền gốc đã trả không xong, lấy đâu ra tiền để ông trả gấp hai lần.

- Đến lúc ấy mà không trả được thì căn nhà này, cả mảnh đất này đều thuộc về bà.

- Ông dám viết như thế không?

Quả thật là Uông Hòe đã viết ra những lời ấy, lại còn bôi màu đỏ lên đầu ngón tay để in dấu vân tay lên mảnh giấy. Trương Tiên Hoa lẳng lặng cầm tờ giấy bảo đảm bỏ đi, hễ gặp ai là đưa tờ giấy ấy cho người ấy xem. Vương Đông xem qua tờ giấy, trong lòng không phục, nói:

- Bà chỉ cho ông ta mượn nhiều hơn tôi năm mươi đồng là được đổi lấy cả một căn nhà sao?

- Đó là sự vận hành của đồng vốn cố định. – Trương Tiên Hoa châm chọc.

Mọi người trong thôn bàn luận râm ran về tờ giấy bảo đảm của Uông Hòe. Áp lực quá nặng nề đè lên người nên bệnh tình của Lưu Song Cúc có cơ hội phát tác. Nào là chứng mất ngủ, chán ăn, đau dạ dày, nặng nhất vẫn là chứng giảm đề kháng, Uông Hòe lên tiếng an ủi:

- Nếu bà không tin tưởng ngay cả đứa con trai của mình thì bà còn biết tin vào ai nữa?

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Mộng Đổi Đời

Số ký tự: 0