Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Phá của

Nam Phương Lệ Chi

2024-10-19 22:46:54

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 112: Phá của

Bà Chu cười đồng ý: “Được.”

Chả trách tại sao Hiểu Mai lại thân thiết với chị dâu tư của nó đến thế. Thanh Hòa đối với nó cũng rất thâm tình.

Chứ chiếu theo tính tình của vợ thằng tư thì nó chẳng quan tâm đến chuyện nhà ai bao giờ huống chi giúp đỡ trông một đứa bé.

Bà Chu không ở chơi lâu, nói chuyện xong là rời đi ngay.

Đại Oa vừa nhồm nhoàm ăn bánh xốp, vừa hỏi: “Mẹ ơi, khi nào thì mẹ đi mua bóng đá cho con hả mẹ?”

Lâm Thanh Hoà: “Đợt này mẹ đang bận, đợi mẹ xong việc cái đã.”

Cô muốn tích nhiều nhiều thịt heo một chút rồi đi lên huyện bán cả thể.

Chu Thanh Bách chỉ nghe thôi chứ không tham gia. Mọi chuyện lớn bé trong nhà anh chưa bao giờ hỏi nhiều, đã nói giao cho vợ quản là giao hẳn cho vợ. Dưới mái nhà này là thiên hạ của cô ấy, ngay cả anh cũng phải tuân lệnh chứ chẳng chơi.

Thời gian thoăn thoắt thoi đưa, thoáng cái đã trôi qua ba tháng. Hiện giờ đang là tháng tư âm lịch.

Người nông dân chắc chỉ có khoảng thời gian rét mướt cuối năm là còn nhàn hạ một chút chứ những lúc khác toàn bận nháo nhào, làm không hết việc.

Chu Thanh Bách lại càng không chịu ngồi không, bận thế nào thì bận chứ anh vẫn đi bắt cá bắt lươn về cho vợ đổi món.

Cá chạch hầm đậu hũ, lươn kho tàu này nọ qua tay bà xã nhà anh là đảm bảo bắt cơm cực kỳ.

Đã hứa với con trẻ thì không thể thất hứa. Tranh thủ hôm nay đi lên huyện thành bán thịt heo, Lâm Thanh Hoà đã mua một quả bóng về cho mấy anh em Đại Oa.

Đại Oa đi học về tới cửa liền nhìn thấy Nhị Oa với Tam Oa đang đá qua đá lại ở trong sân. Nó nhảy cẫng lên hét ầm ĩ, buông cặp sách xuống là lao ngay ra ôm lấy trái bóng.

Đám trẻ nhỏ trong thôn hâm mộ tới rơi tròng mắt, bu đen bu đỏ xin chơi ké.

Đại Oa không keo kiệt, hào phóng tuyên bố cho tất cả chơi chung.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


À tất nhiên là chỉ cho mấy đứa chiến hữu thân cận với nó thôi còn mấy đứa không thân không quen thì thôi dẹp, đứng gọn sang một bên mà nhìn.

Trẻ con rồi thanh niên choai choai mới lớn đều bị thu hút hết về phía này. Đứa nào đứa nấy tấm tắc khen mẹ Đại Oa không hổ danh là bà mẹ số một toàn thôn, bình thường bọn Đại Oa được ăn nhiều thức ăn ngon chúng nó đã không bì kịp rồi, hôm nay lại còn mua về một trái bóng siêu cấp đắt tiền. Cả cái thôn này không một ai bằng mẹ Đại Oa luôn.

Bọn nhỏ thì như vậy nhưng người lớn lại nghĩ khác, ai hay tin cũng ngao ngán lắc đầu.

Vợ Thanh Bách thật đúng là đệ nhất phá của, không biết vun vén cho gia đình, chỉ biết tiêu xài hoang phí. Một trái bóng, đá qua đá lại có cái gì hay, có chỗ nào tốt, mấy thứ này toàn là đồ chơi của đám trẻ con thành phố, trẻ con nông thôn chơi làm gì, kể cả có thừa tiền thì cũng chẳng ông bố bà mẹ nào mua ba cái thứ linh tinh này, quá bằng đốt tiền.

Có người đi thương trường về kể một quả bóng như này có giá hơn hai mươi đồng. Trời đất, quanh năm suốt tháng làm lụng cực khổ kiếm được có vài đồng bạc mà cô ta dám làm vậy, cô ta điên rồi. Tội nghiệp cho cái anh Thanh Bách, một mình nuôi năm miệng ăn đâu phải chuyện dễ, nai lưng ra kiếm mười phần công điểm mà lại vớ phải cô vợ cực phẩm thế này thì đúng là công cốc thôi…..

Vương Linh nghe người trong thôn bàn tán xôn xao thì sán lại phía chị hai Chu: “Này, không phải lần trước cô nói nhà cô ta hết tiền rồi à, người ta mua bóng đá cho con người ta chơi kia kìa. Tận hai mươi đồng lận đấy.”

Chị hai Chu thà chết cũng không muốn tin Lâm Thanh Hoà có tiền, vẫn còn cố đấm ăn xôi: “Có ai mà không biết cô ta là cái loại sĩ diện hão, chắc là không muốn người ngoài biết cô ta hết tiền nên mới phải dùng cách này lừa thiên hạ.”

Nhưng lần này Vương Linh không tin: “Có đợt nhà đó còn ăn bánh xốp còn gì, thấy bảo ngon lắm. Tôi nghĩ phí xuất ngũ của chú tư nhà cô không ít đâu. Chồng phải có tiền thì vợ mới dám tiêu pha kiểu ấy chứ.”

Chị hai Chu: “Không thể nào, cô ta về nhà mẹ đẻ vay tiền rồi cãi cọ đoạn tuyệt quan hệ. Cái này tôi nghe người ta nói, không sai được.”

Vương Linh bĩu môi: “Cô bị ngốc à, có thế mà cũng không nghĩ ra. Điều đó càng khẳng định chú tư nhà cô đem về rất nhiều tiền, cô ta không muốn gia đình mẹ đẻ biết chuyện chạy tới xin xỏ cho nên mới cố tình làm vậy.”

Chị hai Chu giật mình thầm nghĩ Vương Linh không nhắc thì đúng là trước giờ không để ý thật. Thế nhưng ngoài mặt cô vẫn giả vờ khinh thường, khịt mũi nói: “Cô ta coi trọng nhất là nhà mẹ đẻ, làm sao tự dưng đi gây chuyện được. Tôi còn nhớ rõ trước đây chú tư gửi một cái áo khoác bộ đội mới nguyên về, cô ta không nói hai lời cho thẳng bên nhà mẹ đẻ mà.”

Nói lại chuyện này, chị hai Chu vẫn còn nghiến răng nghiến lợi. Nhớ năm đó thời tiết lạnh lắm, tưởng chừng cắt da cắt thịt, nhà cô thiếu chăn, định bụng sang nhà Lâm Thanh Hoà mượn một cái nhưng Lâm Thanh Hoà không do dự mà thẳng thừng từ chối. Sau đó lại mang đi cho nhà mẹ đẻ. Vì chuyện này mà mẹ chồng giận rất lâu nhưng cái ngữ bất hiếu như cô ta thì nào thèm quan tâm.

Vương Linh thật ra cũng chỉ ăn ốc nói mò, người trong nhà đã nói vậy rồi thì cô còn biết nói gì nữa, bèn chuyển đề tài: “Chẳng qua là tôi thương cô thôi, cùng làm dâu Chu gia, nhưng mà cô nhìn cô xem, bụng to vượt mặt rồi mà vẫn phải xuống đất kiếm công điểm, cô ta thì nhẹ tênh ăn chơi cả ngày.”

Lúc này Chị hai Chu tức muốn ói máu: “Tôi không tốt số như cô ta.”

Vương Linh: “Nhưng mà kể cũng lạ, sao chồng cô ta về lâu như vậy rồi mà không thấy cô ta có thai nhỉ. Hình như thằng con nhỏ nhất của nhà đó năm nay cũng lên hai rồi, phải không?”

“Không biết.” Chị hai Chu cực kỳ không có hứng thú với chuyện nhà Lâm Thanh Hoà, trong bụng còn mong sao cho Lâm Thanh Hoà không đẻ được càng tốt. Người đàn bà này quá tốt số, đã gả được cho một người chồng tốt như Chu Thanh Bách rồi thì cũng thôi đi, ai đời cái bụng cũng quá siêu việt, đẻ là ra con trai, liên tiếp ba thằng.

Vương Linh: “Theo cô thì chuyện này là sao nhỉ, hay là cô ta không sinh được?”

Chị hai Chu xua tay: “Ba thằng con trai lù lù ra kia, cô nói xem người ta biết sinh hay là không?”

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


Vương Linh nghẹn họng, nói tới chuyện sinh con đẻ cái, cả cái thôn này chỉ có ít ỏi vài người là sánh được với Lâm Thanh Hoà, sinh liên tiếp ba thằng con trai.

Chị hai Chu: “Thôi mau làm việc đi, làm xong tôi còn về nhà nghỉ ngơi, hôm nay nắng nóng mệt quá.”

Hai người đang cắt cỏ heo, phải nói thế thì Vương Linh mới chịu yên lặng, nghiêm túc tiếp tục công việc.

Mà người đang nằm giữa tâm bão, Lâm Thanh Hoà lúc này lại cực kỳ bình thản cắt cỏ heo. Ngoài ra cô còn tranh thủ đào ít rau dại về ăn cho mát.

Bữa trưa nay cô tính trộn mấy loại bột đậu làm màn thầu, ăn kèm với rau dại xào thịt và trứng tráng bao.

Tại mọi người cứ hay đàm tiếu thổi phồng lên chứ

thỉnh thoảng cô vẫn trộn lẫn một số loại lương thực thô với lương thực tinh để làm món chính.

Mâm cơm nhà cô thường xuyên xuất hiện mấy món như màn thầu hỗn hợp nhiều loại bột hoặc bánh bột bắp này nọ.

Ngoài ra, còn có rau dại, hoặc là rau dưa củ quả trồng sau hậu viện.

Được cái răng của mấy thằng nhóc rất chắc khoẻ, cô làm món gì cũng xử được tuốt, không kén ăn. Tất nhiên được như vậy là dựa trên điều kiện cô ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi, chứ nếu cô cũng xuất công bận rộn thì làm gì còn sức lực mà thay đổi món nọ món kia, tiện làm cái gì thì ăn cái đó thôi chứ.

Giờ cơm trưa, Chu Thanh Bách nói ngày mai phải đi mua phân bón, đại đội giao việc này cho anh.

Lâm Thanh Hoà hỏi: “Thế trưa mai anh có về ăn cơm không?”

“Khỏi chờ cơm anh.” Chu Thanh Bách nhẩm tính chắc cũng phải chạng vạng tối mới về được.

Sáng hôm sau, Lâm Thanh Hoà nấu cơm sáng.

Sau khi ăn uống xong xuôi, cô nhét vào túi áo anh phiếu gạo, phiếu thịt và tiền: “Đi ra ngoài nhớ ăn uống đầy đủ, không cần tiết kiệm vài hào.”

Chu Thanh Bách cười cười: “Tuân lệnh”, rồi đi ra cửa.

Lâm Thanh Hoà ở trong nhà đọc sách, học thuộc lòng vài bài thơ, bài văn hay.

Cô cứ tưởng Chu Thanh Bách chỉ đơn thuần là đi mua nông dược, ai dè mua xong anh không về nhà ngay mà đi tới Cục Công An tìm đồng đội cũ.

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Số ký tự: 0