Ly Biệt Thư

Tiết Tử: Nguyệt Thần Thượng Cổ

Giáo Chủ Vô Tâm

2024-05-09 12:32:57

Tương truyền vào thời thượng cổ, mỗi khi thuỷ triều dâng lên, ánh trăng bàng bạc lại chuyển sang bảy sắc lưu ly. Trong nháy mắt, toàn bộ vũ trụ đều được bao trùm trong ánh sáng lung linh vô tận ấy.

Ánh sáng này không chỉ mang vẻ tuyệt mỹ khiến lòng người say mê, lại còn giúp tịnh hoá thần lực. Vậy nên, thần linh bách thú đều nhận phúc trạch tùe đấy. Trong thuở viễn cổ hỗn độn, thiên địa trống trải, tà ác khó mà sinh sôi tràn lan. Linh thú tiên thần chung sống hoà bình, vạn vật tất thảy bình an.

Mà sự việc phá vỡ bình yên trời đất, phải nói từ Hồng Mông Thiên Sơn.

Hồng Mông Thiên Sơn là thánh địa mà linh thú trong cõi trời đất sinh sôi. Linh nữ Phạn Ca là chủ nhân của Hồng Mông Thiên Sơn, điều khiển ngàn vạn linh thú.

Thời viễn cổ tuy yên bình nhưng lại vắng lặng. Nguyệt Thần là một trong số các thượng thần lại càng hiểu rõ hơn nỗi cô đơn này. Thế là Nguyệt Thần đại nhân cỡi mây đến Hồng Vân Thiên Sơn, định chọn vài loài linh thú mang về Nguyệt Thần Cung, cùng người trải qua thời gian nhàm chán.

Áo bào bàng bạc bồng bềnh theo mây, Nguyệt Thần nheo mắt, trông về phía Hồng Mông Thiên Sơn đang cuồn cuộn linh khí, cảnh sắc tuyệt đẹp.

Hoàng hôn dần buông, sương chiều man mác. Phạn Ca ngồi trên lưng Phong Kỳ Lân, khua roi Xích Kim xua đuổi linh thú về tổ. Trùng Minh Điểu[1], Cửu Vĩ Hồ, Phượng Hoàng, Tất Phương[2], Thanh Ngưu, Đào Ngột[3], Côn Bằng[4],... Vô vàn các loài linh thú tướng mạo kì lạ, thậm chí còn xấu xí không nỡ nhìn đều đi theo chỉ dẫn của Phạn Ca, tiến sâu vào trong Hồng Mông Thiên Sơn.

[1] Trùng Minh Điểu (重名鸟): là thần điểu trong thần thoại Trung Hoa. Bề ngoài tương tự gà, tiếng hót thanh như phượng, hai mắt có hai đồng tử, cho nên gọi là Trùng Minh hoặc Trùng Tình (hai con ngươi). Khí lực rất lớn, có thể vật lộn truy đuổi mãnh thú. Nó tượng trưng cho ánh sáng, lại sở hữu năng lực giải trừ tà ác tai ương của mãnh thú yêu vật.

[2] Tất Phương (毕方): là một loài quái điểu một chân, là loài chim mang điềm báo hoả hoạn. Tất Phương có ngoại hình giống con hạc, mỏ màu trắng, trên lông vũ màu đen có vằn màu đỏ, cả ngày kêu tên mình. Trong "Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba" có đoạn trích: "Núi Chương Nga 章莪, có loài chim, dạng nó như con hạc, một chân, vằn đỏ bản chất màu đen mà mỏ trắng, tên là Tất Phương 毕方, tiếng nó tự kêu tên mình, gặp thì ấp đó đột nhiên có cháy."

[3] Đào Ngột (梼杌): là một trong "Tứ đại Hung thú". Trong "Sơn Hải Kinh · Tây Hoang Kinh" có đoạn trích: "Tây Hoang có giống thú dáng to như hổ, lông dài hai thước, chân hùm mặt người, đuôi dài một trượng tám thước, nhiễu loạn Tây hoang, tên là Đào Ngột..." Có nơi nói rằng Đào Ngột vốn là con trai của Bắc phương Thiên đế Chuyên Húc, khi còn sống thì ngạo mạn, hung tàn, thường xuyên gây họa, làm loạn dân chúng,... Chết đi bị đày ải, hóa kiếp làm hung thú Đào Ngột.

[4] Côn Bằng (鲲鹏): là loại thần thú mang theo hai loại thần thái, một là cá hoặc giả là chim. Trong "Tiêu Dao Du" của Trang Tử có ghi chép, Bắc Minh có loài cá kỳ danh là Côn, Côn lại to lớn không biết đến mấy ngàn dặm. Khi hóa làm chim lại mang tên là Bằng, lưng Bằng cũng rộng không biết đến mấy ngàn dặm, lúc bay lên cánh như đám mây che trời. Côn Bằng khi di chuyển từ Bắc Minh đến Nam Minh nó sẽ biến hóa hình thái của mình, bất luận ở vào loại hình thái nào thì hình thể của nó đều là vô cùng to lớn.

Nguyệt Thần lơ lửng trên mây, nổi ý trêu đùa, vung tay áo biến thành một con chuột lông bạc, rơi thẳng xuống chân Phạn Ca.

Phạn Ca từ từ trèo xuống lưng Phong Kỳ Lân, cúi người nhặt vật nhỏ dưới chân. Nghiên cứu hồi lâu vẫn không rõ tiểu quái này thuộc chủng loài nào, chỉ có thể xem là một giống loài mới mà Hồng Môn Thiên Sơn lại nuôi nấng nên. Nàng liền mang chú chuột trông ngốc nghếch này về ngôi nhà sau núi.

Biến thành chuột lang, Nguyệt Thần nhận lấy hết mọi sự săn sóc hết lòng hết dạ của Phạn Ca, nàng mang loại quả tốt nhất Hồng Mông Thiên Sơn, đem sương sớm trong nhất đến cho tiểu quái này.

Không chỉ có vậy, Nguyệt Thần đại nhân còn rảnh rỗi sinh nông nổi, mỗi ngày sau khi ăn uống no say lại đi bồi dưỡng sở thích mới của hắn - đi ức hiếp các linh thú trong núi.

Sờ mông Kỳ Lân, tóm tóc Phượng Hoàng, cắn mũi Thanh Ngưu, nhổ vảy Xích Long... Linh thú trong núi đều thở hổn hển chịu trận, chỉ vì Phạn Ca luôn bênh vực loài quái thú lông ngắn mới mẻ này.

Ngày qua ngày, Nguyệt Thần đại nhân trong lốt chuột lang càng thêm ỷ lại cảm giác cáo mượn oai hùm này, vừa oai phong lẫm liệt lại được nâng niu chiều chuộng, hắn cảm thấy thời gian mấy chục vạn năm tịch liêu ngày trước còn chẳng bằng mấy tháng ngắn ngủi được tiêu dao ở Hồng Mông Thiên Sơn.

Mãi đến ngày thuỷ triều dâng lên, tình hình gấp rút lửa sém lông mày, Nguyệt Thần đại nhân mới không tình nguyện khôi phục chân thân, một thân xiêm y bàng bạc, mái tóc bạc trắng, cưỡi mây bay về Nguyệt Thần Cung.

Chẳng ngờ, ngay lúc biến thân lại bị Phong Kỳ Lân nhìn thấy. Vì ngày thường luôn bị chuột bạc vỗ mông trêu đùa nhục nhã, Phong Kỳ Lân xưa nay chưa từng lắm miệng lại báo cho Phạn Ca bí mật này.

Thuỷ triều dâng lên, Nguyệt Thần hợp làm một cùng ánh trăng, một luồng sáng bảy sắc trút xuống vạn vật bách tính. Tà niệm tan biến, thiên địa thanh sạch.

Đến khi thuỷ triều rút xuống, Nguyệt Thần chưa kịp về Nguyệt Thần Cung nghỉ ngơi đã vội vàng chạy đến Hồng Mông Thiên Sơn.

Phạn Ca mặc sa y xanh biếc, chân trần bước vào ngôi nhà trên cây thường xuân. Nguyệt Thần lúc này đã biến thành chuột lang, thoả thích nhảy nhót trên giường Phạn Ca hệt như lúc trước.



Đột nhiên, Phạn Ca đứng trước mặt bỗng cúi người quỳ xuống đất, ngữ điệu khiêm tốn, nói ra lời thoại kinh điển: "Tham kiến Thượng thần Nguyệt Thần."

Thân phận bại lộ, kế hoạch tiếp tục cáo mượn oai hùm phá sản. Nguyện Thần lại rất không tình nguyện hiện ra tiên thân.

Phạn Ca nhiều lần ngấm ngầm nhắc nhở Nguyệt Thần đại nhân nên trở về Nguyệt Thần Cung nghỉ ngơi, sợ rằng Hồng Mông Thiên Sơn khó mà tiếp đãi chu đáo. Mà Nguyệt Thần đại nhân vẫn mặt dày nói mình có trách nhiệm thị sát chúng sinh, ở lì Hồng Mông Thiên Sơn không chịu rời.

Chỉ trừ thời điểm thuỷ triền dâng lên, Nguyệt Thần mới chịu rời đi, thời gian còn lại đều quấn quýt bên cạnh Phạn Ca, lấy tiếng là thương cảm hạ thần, muốn hỗ trợ hạ thần quản lý linh thú. Mà thực chất hắn lại bày đủ trò chọc phá linh thú, đặc biệt là vô cùng chuyên tâm tát mông Phong Kỳ Lân.

Ngàn vạn linh thú không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cam chịu ức hiếp và ngậm ngùi trước bất hạnh của mình, Phạn Ca cũng không thể làm gì, đành phải giữ im lặng.

Nháy mắt đã trôi qua một vạn năm, Thượng thần Nguyệt Thần cùng Linh nữ Phạn Ca sinh lòng yêu nhau, bí mật này từ Thiên Phụ cho đến chúng sinh muôn loài, không ai không biết.

Đôi thần tiên quyến luyến này bị Thiên Phụ kịch liệt phản đối.

Thiên Phụ là thượng thần đứng đầu, chưởng quản thượng quân cũng như mệnh số của thượng thần và hạ thần.

Gia tộc Nguyệt Thần vốn đã kết làm thông gia với gia tộc U nữ Thận Hải mấy chục vạn năm. Vốn dĩ là vì tổ tiên gia tộc U nữ Thận Hải có truyền lại một hạt linh châu. Hạt châu này gọi là Hoán Nguyệt Linh Châu, chính là khối đá duy nhất còn lưu lại khi Nữ Oa vá trời. Có linh châu trong tay, gia tộc Nguyệt Thần có thể thanh tẩy mọi tà niệm, làm sạch trọc khí lúc thuỷ triều dâng lên. Cho nên tộc Nguyệt Thần vâng mệnh Thiên Phụ, đời đời kiếp kiếp đều kết hôn với tộc U nữ Thận Hải.

Thiên Phụ nhiều lần triệu hoán Nguyệt Thần, vừa nói lý cũng vừa nói tình, Nguyệt Thần vẫn để ngoài tai, tiếp tục lui tới Hồng Mông Thiên Sơn, càng không đá động đến chuyện hôn nhân với U nữ Thận Hải.

Nguyệt Thần vốn là thượng thần, đứng đầu tộc Nguyệt Thần, vậy mà lại không thoát được số mệnh bị chi phối hôn nhân, giống như bọn linh thú bình thường. Mỗi đời Nguyệt Thần Đế dù muốn hay không, có hạnh phúc hay chăng đều cưới tộc nhân U nữ Thận Hải, cứ thế lại tiếp tục tiếp tục... Đằng sau phúc trạch lại chính là số phận khó mà kháng cự của gia tộc Nguyệt Thần.

Nguyệt Thần muốn đảo ngược vận mệnh của gia tộc Nguyệt Thần mình, hắn hành đại lễ với Thiên Phụ, thề rằng: Ta xin lấy thân phận Nguyệt Thần mà thề, đời này không cưới ai khác ngoại trừ Phạn Ca. Từ nay về sau, gia tộc Nguyệt Thần cùng gia tộc U nữ Thận Hải tuyệt không liên quan.

Thiên Phụ vô cùng tức giận, thừa lúc Nguyệt Thần say sưa uống rượu với tiên hữu, liền cưỡi Cửu Đầu Xích Kim Long đến Hồng Mông Thiên Sơn, đánh Phạn Ca hồn phi phách tán.

Đến khi tỉnh rượu, Nguyệt Thần về Hồng Mông Thiên Sơn, khung cảnh trước mắt chỉ có ngàn vạn linh thú đang gào thét rung trời, cùng với thi thể Phạn Ca đã nhuộm đỏ sắc máu.

Nguyệt Thần đi khắp cả Hồng Mông Thiên Sơn cả ngàn vạn lần, vẫn không thể tìm được một tia tàn phách của Phạn Ca.

Từ đây, vạn vật bách tính không còn một ai tên là Phạn Ca, là một linh nữ cưng chiều, bao dung mọi hành vi vô lại của hắn, là người hắn yêu sâu sắc, nhung nhớ không thôi.

Có lẽ vào thời khắc tiếp nhận sự thật tàn khốc này, Nguyệt Thần nhập ma, con ngươi màu bạc cùng mái tóc trắng xoá trở nên đen thẫm, hắn rống lên một tiếng đầy u oán bi thương, rồi rời Hồng Mông Thiên Sơn, cưỡi mây đen về Nguyệt Thần Cung.

Hồng Mông Thiên Sơn không có Linh nữ Phạn Ca, bầy linh thú bỗng chốc tan đàn xẻ nghé, mạnh ai đi đường nấy, phân tán khắp chân trời góc bể.

Vì muốn giết Thiên Phụ, cũng như để tái tạo hồn phách Phạn Ca, Nguyệt Thần cưỡng ép gia tộc U nữ Thận Hải giao ra Nguyệt Quang Linh Châu, học đến thành thạo toàn bộ cấm thuật trong "Cấm điển Nguyệt tộc".

Trải qua bảy bảy bốn mươi chín ngày tĩnh toạ trong Nguyệt lao, toàn thân Nguyệt Thần quanh quẩn ma khí nặng nề, ở giữa lông mày hiện lên một vầng trăng đen như mực, đây là dấu hiệu của Nguyệt Ma.

Trận chiến giữa Nguyệt Ma và Thiên Phụ khiến thiên địa đảo lộn, nhật nguyệt vô quang, phá Hải Hà, huỷ Linh Sơn, linh lực của Thiên Phụ không đủ chống đỡ, phải kêu gọi thượng thần tứ phương cùng liên kết đối kháng Nguyệt Ma. Chúng thượng thần thi triển linh lực đối kháng với gia tộc Nguyệt Thần, khung cảnh vô cùng ác liệt.



Nguyệt Ma cầm trong tay Nguyệt Quang Linh Châu, ép các thượng thần liên tục rút lui, mãi đến khi Thượng thần Nhất Tịch cưỡi sen đạp gió mà đến.

Thời Viễn Cổ đông đảo thượng thần, phần lớn đều yên vị, hiếm khi lui tới, Nguyệt Thần cùng Nhất Tịch vốn là hảo bằng hữu cùng chung chí hướng. Một cặp bài trùng này từng cùng nhau du ngoạn nước non, nâng cốc rượu, hợp tấu đàn tiêu suốt mấy vạn năm.

Nguyệt Ma niệm tình cũ, chậm chạp không chịu giao chiến cùng Nhất Tịch. Mà sau khi gia tộc Nguyệt Thần gần như bị huỷ diệt, Nguyệt Ma đã giận dữ đánh tan nguyên thần của bảy mươi vị thượng thần, tế bái cho các tộc nhân Nguyệt Thần đã trung thành với hắn.

Pháp lực của Nguyệt Ma đã lên đến tột đỉnh, nhìn khắp thiên giới đã không có ai là đối thủ. Chỉ chờ diệt được Thiên Phụ, y theo "Cấm điển Nguyệt tộc", dùng vạn vật chúng sinh tế trời, để mặt trăng hoá thành hắc nguyệt hấp thụ linh khí trời đất, lại dùng thần lực của Nguyệt Quang Linh Châu tái tạo hồn phách Phạn Ca.

Ngày nọ, Thượng thần Nhất Tịch mang theo Liên Hoa Tuý mà Nguyệt Thần ưa thích nhất, bay đến Nguyệt Thần Cung. Vầng trăng bạc thanh nhã ngày nào đã không còn nữa, chỉ có ma khí quanh quẩn khắp trời. Nguyệt Thần Cung mỹ miều sáng ngời khi xưa, giờ cũng chỉ le lói vài ngọn nến u ám.

Vậy thì ánh trăng rọi xuống vạn vật chúng sinh còn phải tăm tối đến cỡ nào?

Bên trong nội cung, một tiên một ma im lặng không nói, Nguyệt Ma cầm bầu Liên Hoa Tuý của riêng mình, lẳng lặng uống cạn.

Nguyệt Ma tất nhiên là hiểu, cực phẩm Liên Hoa Tuý trên thế gian này, còn không phải là bầu rượu tuyệt giao với Nhất Tịch đó sao?

"Dùng bảy mươi mốt vị thượng thần, bắt vạn vật chúng sinh trả giá, chỉ để đổi lấy một Phạn Ca, có đáng hay không?" Mãi hồi lâu, Nhất Tịch mới lên tiếng.

"Đừng nói là vạn vật chúng sinh, cho dù là toàn cõi thiên địa, không ai có thể sánh với Phạn Ca của ta."

Nguyệt Thần lại cầm bầu Liên Hoa Tuý, uống thêm mấy ngụm. Chỉ trong chớp mắt, rượu vừa vào bụng, linh lực dần dần biến mất.

Hoá ra là Thiên Phụ đã dùng tia thần lực cuối cùng của bản thân để tạo ra Tán Thần Đan vô sắc, vô vị, vô tri, vô giác, hoà vào trong Liên Hoa Tuý.

Nguyệt Ma phun ra một bụm máu đen, cười to dưới ánh trăng. Kế hoạch huỷ thiên diệt địa, tái tạo hồn phách của nữ tử hắn yêu đã sắp thành công, vậy mà lại thua vì trong lòng còn vương vấn tình nghĩa ngày xưa.

Nguyệt Ma dẫn hết linh lực còn sót lại nhập vào Nguyệt Quang Linh Châu, rồi ném linh châu vào bóng đêm rộng lớn.

Cuối cùng trước khi hồn phi phách tán, Nguyệt Ma chỉ để lại một câu nói: Khi Nguyệt Quang Linh Châu lại xuất hiện, thời điểm phong ấn của linh châu được giải trừ cũng là ngày Nguyệt Ma ta trùng sinh... Nhất Tịch, đến ngày đó lục giới sẽ phủ trong bóng đêm, cơn ác mộng vô tận của ngươi cũng bắt đầu.

Một kiếp nạn kinh thiên động địa thời thượng cổ đã kết thúc như thế.

Toàn bộ gia tộc Nguyệt Thần bị diệt, bảy mươi mốt vị thượng thần, kể cả Thiên Phụ đều biến mất, chỉ còn sót lại một vị là hoá thân của sen cổ, Thượng thần Nhất Tịch.

Sau thời thượng cổ, bất kể thuỷ triều lên xuống thế nào, ánh trăng cũng không bao giờ hiện ra quầng sáng bảy sắc như xưa. Ánh trăng cũng không còn thần lực để tịnh hoá tà linh, yêu ma ở lục giới quật khởi, quỷ quái tàn phá khắp nơi.

Đến tận ngày nay, ánh trăng trong veo bàng bạc vẫn soi rọi xuống chúng sinh, mười vạn năm qua cũng không thay đổi.

Mà trong mười vạn năm dài đằng đẵng này, chưa từng mảy may xuất hiện tin tức của Nguyệt Quang Linh Châu.

Thời gian tĩnh lặng trôi qua, phảng phất như kiếp nạn thượng cổ kia chưa từng xảy đến.

Truyện được edit và đăng duy nhất ở Wattpad Ve Sa Lai và vesalai.wordpress.com. Vui lòng đọc ở trang chính chủ để ủng hộ Editor.

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Ly Biệt Thư

Số ký tự: 0