Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chiến Thần? Thá...

Nghịch Tử

2024-11-21 20:40:06

Quay lại kể chuyện Nguyễn Đông Thanh ăn cưới ở nhà họ Trương.

Võ Hoàng không biết thưởng thơ, nhưng cũng nghe được nét hào hùng, tráng khí trong Đề Vệ Linh Sơn, bèn nói:

“Đa tạ tiên sinh! Lý mỗ kính ngài một chén!”

Dứt lời thì liền uống cạn chén rượu trong tay. Nguyễn Đông Thanh tuy bình thường tránh rượu, nhưng dù gì đây cũng là tiệc cưới của người ta, nên nãy giờ vẫn có uống cầm chừng. Nay Lý Huyền Thiên kính rượu, gã cũng không tiện từ chối, liền cũng uống ly của mình.

Võ Hoàng uống xong rượu, chép miệng hai cái, đoạn nói:

“Lão thái sư, cái rượu của đám quan văn các người quá nhạt nhẽo, uống khó mà say. Mà có say được cũng chẳng thể say lâu!”

Trương Hạo kỳ thực cũng đã sớm quen tính cách Lý Huyền Thiên, chỉ cười đáp:

“Võ Hoàng điện hạ thân là võ tướng, thân thể tráng kiện, lại không phải ngày ngày lên chầu nên thấy nhạt miệng cũng phải. Chứ đám quan văn sáng sáng phải lên điện diện kiến Thánh Thượng như chúng ta nào dám uống quá say? Thành thử, cũng chỉ có thể uống cái rượu Liêm Tiêm Vãn Vũ Lạc Lê Hoa này được thôi. Say chậm, lại chỉ cần đề khí là hãm được tác dụng của rượu này.”

Lý Huyền Thiên nghe lời này thấy có đạo lý thì liền “ồ” lên một tiếng, đoạn nói:

“Thì ra là vậy. Lý mỗ lỗ mãng rồi!”

Nguyễn Đông Thanh ở một bên, nghe vậy thì cũng giật mình. Hóa ra thứ rượu này còn có tác dụng như vậy. Cái tên cũng thật đầy ý vị: “mưa chiều lất phất rơi xuống khóm hoa lê”. Thế nhưng, rượu này cuối cùng vẫn là của người tu hành, đối với cơ thể phàm nhân không có chân khí của gã hiển nhiên tác dụng vẫn mạnh hơn vô số lần. Nãy giờ gã uống cũng không phải ít. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta bây giờ chính là đã say mà chưa biết mình say.

Lúc này Võ Hoàng lại quay qua chỗ gã, đoạn hỏi:

“Tiên sinh, Lý mỗ có chỗ không hiểu trong bài thơ của tiên sinh, mong ngài có thể giải đáp. Không biết câu ‘Thiết mã tại thiên danh tại sử’ trong bài thơ kia có ý gì?”

Đám quan văn vốn còn đang mải mê vẽ tranh, chép thơ, bình thơ nghe được lời này mới giật mình. Kỳ thực câu này bọn họ cũng không hiểu, nhưng lại ngại không dám hỏi thẳng như Lý Huyền Thiên. Thành thử, khi lão hỏi hộ chẳng khác nào gãi đúng chỗ ngứa, khiến tất cả sự chú ý đổ dồn về bàn của mấy người Nguyễn Đông Thanh.

Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lúc này đã ngà ngà say, nào có thể suy nghĩ thông suốt, bị hỏi như vậy thì liền trả lời:

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


“Không giấu điện hạ, ở quê của tại hạ có một truyền thuyết về một vị chiến thần, sau khi dẹp quân xâm lược, thì liền bay về trời tại Vệ Linh Sơn.”

Câu này nói ra, toàn hiện trường im bặt. Người của bốn đại gia tộc liếc mắt nhìn nhau, trong lòng như cùng một suy nghĩ: Bích Mặc tiên sinh rốt cuộc từ đâu tới?

Phải biết, việc Nguyễn Đông Thanh như xuất hiện từ không khí, đến Thiên Cơ các cũng không xác định được gốc gác của y là chủ đề bàn tán của tất cả các thế lực tại Huyền Hoàng giới. Hiện tại, có ba giả thuyết đang được người đời tin theo nhất: Thứ nhất, Bích Mặc tiên sinh là một lão quái vật sống từ thời thượng cổ, gần đây mới tỉnh lại. Thứ hai, Bích Mặc tiên sinh đến từ Thiên Ngoại, có khả năng đã nghiễm nhiên đi xuyên qua địa bàn của Chiến Hổ nhất tộc mà không mảy may thương tổn.

Khả năng cuối cùng chính là Bích Mặc tiên sinh đi ra từ bí cảnh. Mà nói đến bí cảnh, người ta không khỏi nhớ đến Trang Bức thần giáo. Thành thử, vì sự tồn tại của giáo này, nếu Nguyễn Đông Thanh tỏ vẻ ta đây, ra vẻ mình mạnh, có khi người đời chưa chắc đã để hắn vào mắt. Thế nhưng, với bao nhiêu chiến tích đáng sợ như vậy mà mỗi một lần gã xuất hiện thì lại luôn thể hiện mình kém cỏi, cũng như có thái độ cực kỳ khiêm nhường. Có bài học của Trang Bức thần giáo, nên Nguyễn Đông Thanh càng như vậy, người ta lại càng không dám nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá. Ngược lại, ai nấy đều tin chắc hắn đang diễn kịch mà thôi!

Dù là giả thuyết nào đúng, thì mọi người đều dám chắc một chuyện: Bích Mặc tiên sinh tuyệt không đơn giản!

Khách dự tiệc thì suy tính lắm như vậy, chứ Lý Huyền Thiên tính tình vốn thẳng thắn, nào có nghĩ ngợi gì nhiều? Chỉ thấy lão lại nói:

“Không biết tiên sinh có thể kể truyền thuyết này ra cho Lý mỗ mở mang tầm mắt hay chăng?”

“Nào dám. Điện hạ không chê cười là được rồi!”

Đoạn, hắng giọng, kể:

“Ở một làng nọ, có một người đàn bà đã luống tuổi tự nhiên không chồng mà chửa. Đứa bé đủ ngày tháng thì sinh, nhưng thẳng đến năm ba tuổi vẫn không nói không cười, không bò chẳng lẫy.

“Khi ấy, phương Bắc có giặc Ân xâm lược, vua bèn cho sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài cứu nước. Khi sứ giả đi qua ngôi làng của cậu bé nọ, thì nó bỗng nhiên bảo mẹ gọi sứ giả vào.

“Cậu bé nói sứ giả bảo vua rèn cho nó một con ngựa sắt, một bộ áo giáp sắt, và một cái kiếm sắt. Rồi nó sẽ đánh đuổi quân xâm lược. Lại nhờ dân làng nấu thật nhiều cơm cho mình ăn.

“Sứ giả về bẩm báo, vua bèn y vậy mà làm. Đến khi rèn xong để vận chuyển được đồ tới nơi cần sức trăm người.”

Nguyễn Đông Thanh đã say, cái nhớ cái quên, lại thêm truyền thuyết có nhiều dị bản. Thậm chí, truyền thuyết tương tự Thánh Gióng ở Việt Nam cũng còn vài câu chuyện khác. Thành thử, hắn nhớ gì thì nói nấy, không chắc thì bịa thêm. Khách ăn cưới biết đây là truyền thuyết, nhiều chỗ hẳn đã có sự ẩn dụ, nhân hóa, nên cũng không hỏi nhiều. Chỉ thấy gã lại tiếp tục:

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


“Dân làng cũng góp gạo lại được cả chục thùng, đem nấu hết một lượt. Cậu bé ăn hết chỗ cơm được chuẩn bị thì liền vươn vai một cái, biến thành thanh niên. Sau đó mặc giáp sắt, cầm kiếm sắt, trèo lên ngựa sắt.

“Ngựa sắt vốn vô tri, nhưng khi được cưỡi lên bỗng hí vang một tiếng. Thế rồi, một người một ngựa cứ thế xông vào giữa thiên binh vạn mã của quân Ân, đánh bạt chúng ra.

“Người ngựa đánh đến đâu, quân giặc chết đến đó. Sau một hồi đánh quá hăng, kiếm sắt bị gãy, dũng sĩ nọ bèn nhổ một khóm tre bên đường lên làm vũ khí, tiếp tục xông phá quân địch.

“Sau khi hoàn toàn đánh bại quân xâm lược, dũng sĩ cởi giáp sắt, để lại trên Vệ Linh Sơn, rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời.

“Người đời biết ơn, tôn y làm Thánh Gióng, lại gọi Phù Đổng Thiên Vương, là chiến thần đại diện cho chiến tranh vệ quốc.”

Nguyễn Đông Thanh kể xong, cả hiện trường vẫn một mảnh yên tĩnh. Miêu tả về sức mạnh của Thánh Gióng này, có vài phần giống với Chiến thần chi thể của Lý Huyền Thiên. Mà việc y lấy sức một người cản lại thế công cả vạn quân, cũng chẳng khác gì trận Võ Hoàng đại thắng trước Huyền Giáp Vệ của Nghiêm Hàn. Người ngoài cuộc còn nhận ra điều này, huống chi là hai người Lý gia.

Chỉ thấy Lý Huyền Thiên và Lý Huyền Cơ nhìn nhau, âm thầm tính toán lật lại gia phả, gia sử tra cứu xem có ghi chép nào tương tự truyền thuyết kia, thậm chí nhắc gì đến “Gióng” hoặc “Phù Đổng Thiên Vương” hay “giặc Ân” mà y đánh dẹp thôi cũng được. Mà các nhà khác cũng gần như đồng thời đi đến quyết định cho người đi tìm hiểu xem liệu truyền thuyết mà Bích Mặc tiên sinh vừa kể liệu có phải là một phần văn hóa đã bị thế nhân lãng quên sau Phản Thiên chi chiến hay không.

Còn Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lúc này đã gục đầu xuống ngủ gật. Đại Bạch thấy thế liền truyền âm nhắc hai người Hồng Đô xin phép đưa gã về trước.

Mọi người đương nhiên chẳng ai tin Bích Mặc tiên sinh có thể say được khi mới uống có bấy nhiêu Liêm Tiêm Vãn Vũ Lạc Lê Hoa. Thế nhưng cũng chẳng ai dám “lên tiếng bóc mẽ”. Duy chỉ có Hồng Đô và Trương Mặc Sênh là “hiểu” tiên sinh có tửu lượng kém do đang “thể ngộ hồng trần” mà thôi.

Trương Hạo liền gọi người hầu ban nãy đã đón đưa mấy người Nguyễn Đông Thanh tới đây ra, bảo y tiễn tiên sinh về tận nơi.

Khách dự tiệc đoán chừng Bích Mặc tiên sinh đã “tiết lộ hết những thứ cần thiết trong tính toán”, không muốn nói thêm gì khác cũng chỉ đành thở dài, nhìn theo bóng lưng Hồng Đô và Trương Mặc Sênh dìu đỡ tiên sinh đi xa dần.

oOo

Bích Mặc tiên sinh của chúng ta say rượu, đương nhiên là ngủ đến khi mặt trời quá con sào mới dậy nổi. Cũng may, sau buổi hôm đó, không có sự gì khác xảy đến với đám Nguyễn Đông Thanh, ngoại trừ việc có một hôm Tiểu Thực Thần ẵm con Cải Thảo đi đâu mất tăm cả ngày (1). Thế nhưng Nguyễn Đông Thanh đoán chừng chắc cậu ta cũng chỉ có thể bỏ đi kiếm món ăn ngon tại kinh thành nên cũng chả buồn quản.

[Sự kiện ngày hôm đó được kể trong ngoại truyện: Cuộc phiêu lưu của Cải Thảo và Tiểu Thực Thần (chương 126: -128) đăng vào Valentine trắng 14/3/2023]

Lại mấy hôm nữa trôi qua thì cuộc thi Mỹ Thực Tiến Vua chính thức bắt đầu. Bích Mặc tiên sinh cũng chuẩn bị dắt theo hai người Trương Mặc Sênh rời khỏi nhà trọ để đến điện Kim Loan – nơi tổ chức thi đấu.

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Số ký tự: 0