Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Tiến Cung

Nghịch Tử

2024-11-21 20:40:06

Lần trước đi ăn lễ cưới ở chỗ Trương lão thái sư, Nguyễn Đông Thanh đã được biết hoàng cung nước Đại Việt nằm ở Quận Nhất – quận trung tâm của Cổ Long thành.

Có lẽ do biết hôm nay là ngày hội Mỹ Thực Tiến Vua diễn ra, thế nên ngay từ sáng sớm, đã có một đoàn xe kiệu đông đến hai mươi mấy người chờ sẵn trước cửa quán trọ. Bích Mặc tiên sinh kể từ khi nhận công việc chuẩn bị tham gia hội thi thay Vũ Tùng Lâm thì không phải đến lớp, gần đây ít dậy sớm. Thành thử, ngay cái lúc Nguyễn Đông Thanh đang ngáp ngắn ngáp dài đi xuống, còn đang ngái ngủ thì đã nghe tiếng người đồng thanh vang lên:

“Chào tiên sinh!!!”

Nguyễn Đông Thanh vẫn đang lăn tăn chuyện mấy ngày trước say rượu, khi không lại đi kể chuyện cổ tích cho Võ Hoàng nghe. Thành thử, tiếng hô của đoàn người khiến gã giật nảy mình một cái, mém chút thì lăn lông lốc xuống tận chân cầu thang,

“Đồ ngu! Bọn não lợn! Sao chúng mày dám làm tiên sinh sợ hãi như thế hả?”

Một người trung niên gầy đét, ăn mặc sang trọng gào lên, tung chân đá mấy cái vào mấy tên to cao. Tên này trông thì da bọc xương, cũng chẳng còn tráng niên gì mà ra đòn lại cực nặng. Cứ nhìn mấy người đàn ông cao to tuy bị đánh cho bôm bốp, lại chỉ biết cắn răng chịu, không dám phản kháng chút nào là cũng đủ thấy địa vị của hai bên ra sao.

Nguyễn Đông Thanh là người hiện đại, không quen nhìn cái kiểu ra tay đánh đập kẻ dưới này, hắng giọng một cái, lên tiếng:

“Vị đại nhân này, hai ta không quen không biết, vì sao lại tìm gặp tại hạ?”

“À... Bích Mặc tiên sinh là nhân vật bậc nào, không nhớ tại hạ cũng đúng thôi. Thế nhưng tại hạ được diện kiến tôn nhan một lần ở Trương gia phủ thì không thể quên được. Cũng phải nói là nhờ hồng phúc của tiên sinh, tiểu nhân đây mới được ngồi lên cái ghế Lại bộ thị lang này. Hôm nay tiểu nhân nhẩm hoàng lịch, thấy đã đến sinh thần của thánh thượng, ắt hẳn tiên sinh sẽ vào cung tham gia hội Mỹ Thực tiến vua, thế nên cố tình mang người ngựa đến cung tống tiên sinh.”

Trung niên gầy đét bắn một tràng tứa lưa, câu nào câu nấy đều ngọt như bôi mật. Nguyễn Đông Thanh nghe lão khen mình mà còn thấy xấu hổ, chỉ biết hắng giọng cười trừ.

Đại nhân... ngài nịnh bợ sai đối tượng rồi.

Tuy rất muốn nói như thế, song Nguyễn Đông Thanh thấy bản thân đến Cổ Long thành lạ nước lạ cái, có người dẫn vào Quận Nhất thì có thể tránh được không biết bao nhiêu là phiền toái với mấy tay canh cổng, bèn gật đầu đồng ý, dẫn Hồng Đô, Trương Mặc Sênh và con Cải Thảo cùng lên kiệu.

Trung niên gầy đét cũng chui vào kiệu theo, sau đó lớn tiếng ra hiệu cho mấy người bên ngoài:

“Khởi kiệu!!!”

Cỗ kiệu lão mang đến không quá lớn, bình thường chỉ cần bốn kiệu phu là dư dả. Thế nhưng, vị Lại Bộ thị lang đương nhiệm này hôm nay dẫn gần hai mươi tráng hán, có người có ngựa đủ cả, so với nghi lễ lúc lão nhận chức thì cũng chỉ đến thế mà thôi.

Có thể nói... tân nhiệm thị lang cơ hồ đã dốc hết tài lực, liều mạng nịnh bợ vị “đại nhân vật” này.

Tay hung không đánh mặt cười, tuy việc lão đánh đập kẻ dưới khiến Nguyễn Đông Thanh có ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp với vị thị lang mới này của Lại bộ, thế nhưng lão cung kính lịch sự quá, khiến Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng không thể không lấy lễ mà đối đãi.

Lại nói...

Nguyễn Đông Thanh muốn giận lão cũng chẳng có lí do gì để mà nổi nóng.

Xã hội Huyền Hoàng giới chính là như vậy, địa vị xã hội, trật tự tôn ti có thể nói là cực kỳ sâm nghiêm. Việc đánh đập hạ nhân đối với vị thị lang Lại Bộ này mà nói có lẽ cũng giống như đi kỹ viện vậy. Không phải lúc nào cũng làm, nhưng cũng chẳng phải việc gì to tát cả.

Trong xã hội này, ai mà tử tế với kẻ dưới thì mới là của hiếm.

Gã hỏi ra thì biết lão họ Khương, tên độc một chữ Tranh, hiệu là Vân Trường, vốn là học sinh nghèo đỗ đạt làm quan, không phải xuất thân sĩ tộc gì.

Nếu không phải thị lang cũ của Lại Bộ bị Võ Hoàng giết, chắc lão làm quan mòn kiếp cũng không tiến thân được.

Thế nên...

Lần này Khương Vân Trường mới đến đón Nguyễn Đông Thanh vào kinh.

Có hạ nhân của Khương Vân Trường dẫn đường, đội nhân mã gánh kiệu nhẹ nhàng đi qua các cổng thành, không tên lính canh cổng nào đòi kiệu dừng lại để hạch sách. So với cái lần Nguyễn Đông Thanh tự mình du ngoạn thì nhẹ nhàng nhanh gọn hơn không biết bao nhiêu lần.

Mãi đến cổng vào Quận Nhị, đoàn người mới phải xuống cho lính canh kiểm tra.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


Thế nhưng, lần này lính gác vừa nhác thấy cái mặt hắn, đã cười toe toét ra vẻ lấy lòng:

“Ra là tiên sinh. Khương thị lang đúng thật là, cung tống tiên sinh nhập cung mà không nói sớm, để tiểu tử đón tiếp từ xa. Người đâu! Mau mở cổng thành, đừng có làm chậm chễ tiên sinh.”

Nguyễn Đông Thanh trố mắt, không tài nào tưởng tượng nổi mình lại có mặt mũi đến thế.

“Không biết công tử là ai? Vì sao lại nhận ra tại hạ?”

“Không dám giấu tiên sinh, tiểu tử là con của Long Hiệu Úy, Long Thiếu Dương. Chú rể trong hôn lễ Trương – Hồ hôm trước chính là bạn đồng niên của tiểu tử.”

Long Thiếu Dương đáp.

Nguyễn Đông Thanh nghe thế, mới “à” lên một tiếng.

Bây giờ nhớ lại, giống như ngày hôm đó Trương lão thái sư và Võ Hoàng Lý Huyền Thiên đều ngồi bên cạnh hắn, tân khách có muốn không chú ý đến gã e cũng không được, trừ phi ngay cái lúc Trương Hạo dẫn Nguyễn Đông Thanh vào y đã say bí tỉ không biết trời đất gì nữa.

Khương Vân Trường và Long Thiếu Dương giống như cũng vì thái độ của Võ Hoàng và Trương lão thái sư mới hiểu nhầm rằng Nguyễn Đông Thanh là một “đại nhân vật” nào đó.

Nghĩ thông suốt chuyện này, tấm mặt mo của Bích Mặc tiên sinh càng đỏ thêm.

Hắn cảm thấy mình mượn văn của cụ Nguyễn Khuyến mà được đối đãi như cao nhân ẩn sĩ thế này quả thực là không làm mà có ăn. Nguyễn Đông Thanh thật sự không hiểu nổi mấy cậu thiếu niên trong tiểu thuyết mạng sao có thể bình tĩnh thản nhiên đạo văn của người khác về trục lợi như vậy được.

Qua cửa Long Thiếu Dương, Khương Tranh bèn cho đội người ngựa nhanh nhóng chạy về phía cổng thành dẫn vào Quận Nhất.

Trái với các cổng khác...

Cổng thành ngăn cách hai quận Nhất – Nhị được thếp vàng toàn bộ, trên đóng tám cái đinh lớn bằng bảo thạch, hai cái tay nắm cửa cũng được đúc bằng vàng khối, chạm khắc tinh xảo thành hình đầu rồng, ngậm hai chiếc vòng phỉ thúy xanh biếc.

Nguyễn Đông Thanh không rành ngọc, thế nhưng cũng biết nguyên cái cổng này cũng đủ cho Lão Thụ cổ viện dùng phủ phê cả mấy đời không lo chết đói. Đương nhiên... trước đó có chết chém hay không thì hắn không dám nói trước.

Thế nhưng...

Thứ đập vào mắt người ta hơn cả khi đến trước cổng thành ngăn cách hai quận Nhất – Nhị không phải cửa dát vàng, đinh ngọc, đầu rồng ngậm bảo thạch.

Mà là nguyên một cái đầu rồng.

Long đầu gác lên ngay trên cái vòm cổng, lông tóc da thịt đã khô lại, vảy đã tróc ra, song vẫn có thể thấy được hai hàm răng nhọn hoắt lởm chà lởm chởm. Chỉ riêng cái đầu đã to bằng một cái ô tô con bốn chữ, chứ đừng nói là phần còn lại của cơ thể.

Nguyễn Đông Thanh chớp mắt, kinh ngạc nhìn cánh cổng. Kể từ khi đến Huyền Hoàng giới, đây là lần đầu tiên hắn được thấy một nguyên hình một con rồng.

Long Thanh Y và hai tên choai choai sử dụng dạng người để đi lại, đương nhiên không tính.

“Khương đại nhân... đầu rồng này là thật sao?”

“Là thật. Tiên sinh có điều không biết, khi xưa thái tổ hoàng đế từ đất lục quốc vượt Trúc Hải đến đây khai khẩn mở đất, đã từng giao chiến với tộc Khủng Long. Đến thời Thánh Tông hoàng đế thì chiến thắng, lấy xác chín con Khủng Long xây lên chín vòng thành của đế đô.”

Khương Vân Trường giống như đã sớm đoán được Bích Mặc tiên sinh sẽ hỏi câu nào tiếp theo, mới nhỏ giọng:

“Vốn là thành có tên là Loa Long, do các vòng thành tròn như trôn ốc mà lại do xác rồng dựng lên. Thế nhưng từ khi đương triều thánh thượng lên ngôi, phân chia cửu quận cũng thành chuyện bình thường, lúc này vì ‘long là biểu tượng của hoàng quyền’, cũng để các quận khác không có long đầu như quận Nhất, thánh thượng mới cho chặt hết đầu rồng của tám thành bên ngoài, lấy cái đầu rồng lớn nhất của quận Cửu về gác lên đầu thành quận Nhất.”

Nguyễn Đông Thanh ngạc nhiên nhìn sang, hỏi nhỏ:

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});


“Đầu to thân teo như thế thì có chịu nổi không?”

“Chịu nổi mới là lạ, hàng năm cổng long đầu của quận Nhất đều phải sửa sang tu chỉnh, tốn không ít tiền đâu. Đến rồi!”

Khương Tranh vừa nói, thì kiệu cũng đã bị chặn lại.

Lần này là cấm vệ quân, không còn được “đặc cách” nữa, nên cả đoàn người mới phải cùng xuống kiệu để kiểm tra. Nguyễn Đông Thanh đưa công văn cho cấm quân gác cổng xem, lúc này chúng mới mở cửa cho vào.

Hoàng cung nước Việt không to, cũng chẳng hoành tráng, nhưng thực là rối rắm không khác gì mê cung. Khương Vân Trường giới thiệu rằng hoàng cung được xây theo lối Liên Hoàn Tứ Hợp, không biết đường đi lối lại cực kì dễ bị lạc. Thế nên mỗi lần vào cung đều phải chờ cung nữ chuyên chúc đến dẫn vào, tảo triều xong lại có thái giám dẫn ra mới có thể về được. Nguyễn Đông Thanh chỉ nghe đến Tứ Tượng, Lục Hợp, chứ chưa nghe thấy có loại trận đồ nào lại dùng “Tứ Hợp” cả. Thế nhưng nghe Khương Tranh quảng cáo thì hắn cũng hơi rét, nên không dám để hai người Hồng Đô đi lung tung.

Còn Cải Thảo... hắn thấy không cần lo. Con mèo này lắm lúc còn lười hơn cả hắn.

Chờ độ nửa khắc thì trong cung có ba cô cung nữ tay cầm phất trần tiến ra, lịch sự chào một tiếng, sau đó bảo nhóm Đông Thanh và Khương Tranh đi theo mình. Bốn người, một mèo theo sát dấu chân của cô cung nữ, đi qua một cái cầu gỗ nhỏ thì bước vào được một căn phòng chứa củi, cửa vào cửa ra đối diện nhau, thẳng tuột một đường.

Qua cửa, thì vào được một khoảng vườn đầy hoa cỏ, bốn phía treo lồng chim, chính giữa để một cái đình nghỉ mát. Lạ một cái là trong đình nghỉ mát ngoại trừ bàn ghế ấm chén thì lại trái khoắy đi bày một cái đồng hồ nước chảy, quả thực là cách bài trí nội thất chẳng giống ai. Vườn có tường bao, bốn phía là bốn căn phòng xoay cửa về phía đình nhỏ.

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Đông Thanh thấy có một hoàng cung được xây theo kiểu tứ hợp viện, thích thú nhìn quanh một lượt. Lại nhớ đến lời cảnh báo của Khương Vân Trường, không khỏi thấy hiếu kỳ.

Cung nữ nhìn đồng hồ nước, sau đó dẫn mọi người đi về phía tây...

Lần này, nhóm Nguyễn Đông Thanh bước vào một gian phòng sách, có mấy đứa bé đâu đấy bảy tám tuổi đang ê a tập đọc.

Trên bục, có một lão thái giám đang ngồi, viết chữ thảo cho chúng nó xem. Lạ một nỗi là cung nữ dẫn người bước vào mà từ thầy đến trò chẳng một ai quan tâm để ý, cứ thế tiếp tục như không có gì xảy ra. Mà cung nữ dẫn đường cũng chẳng tỏ vẻ gì, lại dẫn mọi người thẳng đến cửa ra.

Phòng học cũng như phòng chứa củi, lối vào và lối ra đặt trên một trục thẳng băng, rảo bước thì tốn chưa tới mười giây là đã ra khỏi căn phòng học.

Năm người một mèo lúc này... lại đến một cái sân nhỏ, chính giữa đặt đình nghỉ mát, trong đình có đồng hồ nước. Cung nữ lại chọn một căn phòng, dẫn mọi người xuyên qua.

Cứ thế lặp đi lặp lại gần một khắc, nhóm Đông Thanh mới đến được điện rồng.

Bấy giờ, Nguyễn Đông Thanh mới hiểu “Liên Hoàn Tứ Hợp” mà Khương Vân Trường nói rốt cuộc là thế nào, không khỏi gật đầu với lão thị lang mới nhậm chức một cái tỏ vẻ cảm tạ.

Lại thấy, trong cung bấy giờ có một cung nữ chạy ra ngoài, dáo dác nhìn khắp nơi, trông có vẻ lo lắng lắm.

Cung nữ vừa dãn đường cho Nguyễn Đông Thanh bước lên, hỏi:

“Chị Lan, sao lại lo lắng như thế?”

Cung nữ được gọi là “chị Lan” bèn đáp:

“Còn không phải do mấy cái người nhà quê từ thành nhỏ đến? Chị đã dặn là không được đi lung tung, thế mà bẵng đi một cái đã dẫm phải bẫy truyền tống, giờ lạc đâu trong cung mất rồi.”

“Được rồi, được rồi mà. Để em tìm cùng chị. Xin chư vị thứ lỗi, điện Kim Loan đã ở đằng trước, cứ đi thẳng đến là được.”

Cung nữ cúi đầu, sau đó vội vàng chạy đi giúp “chị Lan”, để lại Bích Mặc tiên sinh mặt đang ngu ngơ như bò xem khẩu hiệu đằng sau.

“Bẫy truyền tống???”

Nguyễn Đông Thanh cảm thấy mình vừa nghe được một thông tin cực kỳ trọng yếu, âm thầm nuốt nước bọt một cái, đoạn nói:

“Cảm ơn thị lang đã nhắc nhở.”

“Chuyện nên làm. Chuyện nên làm.”

Bạn đang đọc truyện trên: DocTruyen.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Số ký tự: 0